Giai đoạn 2021-2025, Trà Vinh tập trung nhiều giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%. Trong đó, 40 - 45% học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề nghiệp đạt 45%; ít nhất 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 50% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.
Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó chú trọng đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; đồng thời phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp. Tỉnh xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia Việt Nam có tham chiếu các chuẩn khu vực và quốc tế. Song song đó, địa phương sẽ đổi mới quy trình, phương pháp phát triển chương trình đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, liên thông dựa trên mô đun, tín chỉ và các quy đổi tương đương, đáp ứng chuẩn đầu ra và khối lượng học tập tối thiểu. Bạc Liêu phát triển chương trình đào tạo các ngành, nghề mới, ngành, nghề công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ mới, kỹ năng tương lai và các chương trình đào tạo cho người lao động trong các doanh nghiệp theo hình thức vừa làm vừa học ở trình độ trung cấp, cao đẳng.
Nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, cùng với phát triển đồng bộ hạ tầng, Trà Vinh thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phát triển các nền tảng số. Bên cạnh đó, tỉnh đổi mới, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các chương trình, phương thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho nhà giáo; tham gia đào tạo, bồi dưỡng tại các nước có hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển đối với nhà giáo giảng dạy ngành, nghề trọng điểm cấp độ ASEAN, quốc tế do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức. Đồng thời, tỉnh chuẩn hóa cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng chú trọng kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại, đổi mới sáng tạo, kỹ năng số, trình độ ngoại ngữ; phát triển nhanh và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm định, bảo đảm chất lượng, đội ngũ thanh tra, cộng tác viên thanh tra chuyên ngành.
Cùng với đó, tỉnh nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn; gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động; ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ; hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính cho giáo dục nghề nghiệp...
Ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh cho biết, toàn tỉnh hiện có 16 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó có hai trường Cao đẳng (Trường Cao đẳng nghề và Trường Cao đẳng Y tế); 6 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện; 8 cơ sở giáo dục khác có đào tạo nghề. Bình quân hàng năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh tuyển sinh, đào tạo nghề cho 19.000 lao động. Tuy nhiên, trong số này, chỉ có khoảng 700 người được đào tạo bậc Cao đẳng, trên 300 người bậc Trung cấp; gần 2.000 lao động trình độ Sơ cấp; số lao động còn lại chủ yếu được đào tạo nghề nông thôn hoặc theo các chương trình đào tạo thường xuyên khác.
Thanh Hòa