Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định " Đảng, Nhà nước luôn quan tâm sâu sắc, có nhiều cơ chế, chính sách và dành nguồn lực đầu tư, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghị quyết Trung ương 7 khóa X là một chủ trương lớn đúng đắn, kịp thời và hợp lòng dân; góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân " .
Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Trong 5 năm (2013-2017), Đề án tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu và các giải pháp của Nghị quyết. Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu thể hiện rõ kết quả tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như thủy sản (nhất là tôm nước lợ), rau, hoa, quả, cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
Nhờ đó, xuất khẩu nông – lâm - thủy sản tăng nhanh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tạo nguồn thu ngoại tệ quan trọng, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008 - 2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm; riêng năm 2017 đạt 36,52 tỷ USD, tăng 20,05 tỷ so với năm 2008 và dự kiến năm 2018 kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40 tỷ USD. Đã có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên, trong đó có 5 mặt hàng (tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD (năm 2008 chỉ có 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên và 2 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD). Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2018, GDP nông - lâm - thủy sản tăng 3,93%, đạt mức tăng cao nhất trong 10 năm gần đây.
Nông dân đã phát huy vai trò chủ thể, tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia chuỗi giá trị, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn tăng từ 75,8 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 130 triệu đồng năm 2017.
Phong trào xây dựng nông thôn mới có sức lan tỏa cao tạo nên một bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, văn minh, hiện đại. Đặc biệt, Xây dựng các mô hình HTX kiểu mới được chú trọng, thu hút đầu tư doanh nghiệp. Nhờ vậy, đến hết năm 2017 có 11.668 HTX nông nghiệp (gấp gần 2 lần năm 2008). Số lượng doanh nghiệp nông nghiệp tăng từ 2.397 năm 2007 (chiếm 1,61% doanh nghiệp cả nước) lên 7.033 doanh nghiệp năm 2017 (tăng 2,93 lần) với số vốn 213.394,9 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp đã trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị nông sản và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường.
Đến nay, cả nước đã có 3.478 xã (38,98%) đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 14,26 tiêu chí/xã; có 53 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (so với năm 2010 chưa có xã đạt chuẩn; đến hết năm 2013 có 75 xã được công nhận đạt chuẩn, bình quân đạt 7,87 tiêu chí/xã, chưa có huyện đạt chuẩn nông thôn mới).
Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời các báo, đài tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Bộ trưởng nhấn mạnh: Cần xác định vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa đất nước. Từ đó thống nhất nhận thức toàn xã hội, các thành phần kinh tế, vai trò người dân được tôn vinh và tự tin khi phát triển kinh tế. Cần khuyến khích nhiều thành phần kinh tế như hợp tác xã, doanh nghiệp… được ra đời để liên kết chặt chẽ với người dân. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút nhiều doanh nghiệp hơn và ưu tiên doanh nghiệp vùng miền để cùng liên kết với hợp tác xã, bà con, đưa sự nghiệp nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày càng phát triển.