Tôn vinh giá trị làng nghề gạch, gốm Vĩnh Long

Tôn vinh giá trị làng nghề gạch, gốm Vĩnh Long

Trong chuỗi sự kiện Festival Nông sản Việt Nam - Vĩnh Long năm 2023, công trình Con đường nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long được hình thành từ hơn 2.500 sản phẩm gốm và hơn 20.000 viên gạch đã tạo nên điểm nhấn đặc biệt, thu hút nhiều du khách và người dân tham quan, tìm hiểu. Những sản phẩm gạch, gốm là món quà kết tinh từ thiên nhiên và tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của người dân làng nghề. Các sản phẩm lần đầu tiên được trưng bày một cách bài bản, qua đó tôn vinh và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề sản xuất gạch, gốm có lịch sử trên 100 năm của Vĩnh Long.

Tôn vinh giá trị làng nghề gạch, gốm Vĩnh Long ảnh 1Du khách chụp ảnh lưu niện tại con đường nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long. Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN

Quảng bá nét đẹp làng nghề

Công trình Con đường nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long được thực hiện trên tuyến đường dài hơn 500m, nối đường Võ Văn Kiệt và đường Phạm Hùng, thuộc phường 9, thành phố Vĩnh Long. Con đường được hình thành từ hơn 2.500 sản phẩm gốm và hơn 20.000 viên gạch của 16 doanh nghiệp sản xuất gạch, gốm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Điểm nhấn của con đường là tái hiện lại hình ảnh lò gạch truyền thống được xây dựng từ 20.000 viên gạch tiểu và 500 viên gạch mái chèo nhằm gợi nhớ đến làng nghề gốm từng một thời thịnh vượng, được mệnh danh là "Vương quốc gạch gốm" của vùng. Cùng với đó là mô hình Ngôi nhà gốm đỏ được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng của người dân Nam Bộ 3 gian 2 chái truyền thống. Ngôi nhà này được mô phỏng từ ngôi nhà có thật của ông Nguyễn Văn Buôi (ngụ thành phố Vĩnh Long), một nghệ nhân với quyết tâm vực dậy làng nghề truyền thống của địa phương trước nguy cơ mai một. Con đường còn gây ấn tượng bởi các tiểu cảnh với trên 2.500 đơn vị sản phẩm gốm đỏ có nhiều mẫu mã đa dạng và 10 tác phẩm bình chứa đựng hình ảnh các di tích lịch sử, đặc sản cây ăn trái của vùng đất Vĩnh Long như miếu bà Thiên hậu, miếu Công thần, chùa Tiên Châu, cầu Mỹ Thuận…

Con đường nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long không chỉ mang đến cho người dân ấn tượng về một công trình đẹp mắt mà còn là những giá trị về văn hóa, tinh thần. Người dân như được hòa mình vào không khí sản xuất của làng nghề, ngắm nhìn những sản phẩm được hình thành từ kết tinh của thiên nhiên ban tặng cùng đôi bàn tay khéo léo, tinh thần sáng tạo của những người dân làng nghề.

Tôn vinh giá trị làng nghề gạch, gốm Vĩnh Long ảnh 2Con đường nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long. Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN

Ông Đặng Hồng An (ngụ phường 4, thành phố Vĩnh Long) chia sẻ, những sản phẩm được trưng bày mang nhiều mẫu mã, hoa văn khác nhau thể hiện sự khéo léo và sáng tạo của người thợ làng nghề, là nét đẹp cần quảng bá cho nhiều thế hệ đi sau. Đặc biệt, ngôi nhà 3 gian 2 chái đã gợi lại cho ông ký ức tuổi thơ. Con đường nghệ thuật gốm đỏ rất có ý nghĩa trong việc giúp thế hệ trẻ được tận mắt chứng kiến, hiểu hơn về làng nghề truyền thống sản xuất gạch, gốm và hiểu thêm về những nét đặc trưng trong văn hóa của người dân Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng.

Không chỉ đến để tham quan, chụp ảnh với những sản phẩm làng nghề độc đáo mà người dân, du khách còn hứng thú tìm hiểu về những giá trị của làng nghề, về quá trình sáng tạo để cho ra những sản phẩm gốm với nhiều hình dáng và hoa văn độc đáo.

Tôn vinh giá trị làng nghề gạch, gốm Vĩnh Long ảnh 3Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Lò gạch truyền thống. Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN

Du khách Li See Ja (Singapore) đã tham quan hết con đường gốm và tìm hiểu thêm nhiều thông tin về công trình này. Con đường nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long rất đẹp, có nhiều sản phẩm gốm độc đáo và hầu như không giống với những sản phẩm đã từng thấy. Đặc biệt, cô ấn tượng với việc tái hiện lại hình ảnh lò gốm truyền thống có khói lửa, có hình ảnh thờ ông táo lò gốm... Con đường đã mang đến những giá trị văn hóa rất đặc biệt trong hành trình du lịch và trải nghiệm tại Vĩnh Long của Li See Ja.

Bảo tồn làng nghề sản xuất gạch, gốm

Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Trung Kiên cho biết, Con đường nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long là công trình nhằm quảng bá sản phẩm gốm, góp phần bảo tồn và khai thác các lò gạch, gốm truyền thống hiện có trên địa bàn. Với quyết tâm hoàn thành tác phẩm, Hiệp Hội gạch gốm - mỹ nghệ, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh gạch, gốm trên địa bàn tỉnh đã đóng góp những sản phẩm đẹp nhất của làng nghề, tạo điểm nhấn đặc sắc về một làng nghề đã tồn tại và là niềm tự hào của bao thế hệ người dân Vĩnh Long.

Là người có nhiều tâm huyết với nghề sản xuất gạch, gốm, ông Nguyễn Văn Buôi (ngụ phường 5, thành phố Vĩnh Long) đã tự xây dựng cho mình một căn nhà với thiết kế hoàn toàn bằng gốm đỏ và đã được Viện Kỷ lục Việt Nam trao quyết định xác lập kỷ lục “Ngôi nhà có kiến trúc 3 gian 2 chái truyền thống, hoàn toàn bằng gốm đỏ Vĩnh Long lớn nhất Việt Nam”. Dịp này, ông đã mang mô hình ngôi nhà cùng nhiều tác phẩm gốm với đủ mẫu mã, kiểu dáng tham gia trưng bày để người dân cùng tham quan, tìm hiểu.

Tôn vinh giá trị làng nghề gạch, gốm Vĩnh Long ảnh 4Du khách tham quan và tìm hiểu mô hình ngôi nhà 3 gian 2 chái bằng gốm đỏ là điểm nhấn, thu hút nhiều du khách đến tham quan và tìm hiểu. Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN

Ông Nguyễn Văn Buôi rất phấn khởi, tự hào khi tận mắt chứng kiến sản phẩm kết tinh từ món quà thiên nhiên ban tặng và tinh thần lao động, cần cù sáng tạo của bà con làng nghề được du khách, người dân thưởng lãm và khen ngợi. Ông mong rằng qua đợt trưng bày này sẽ góp phần quảng bá nét đẹp của làng nghề, thời gian tới sẽ có nhiều công trình kiến trúc của địa phương ứng dụng sản phẩm gạch, gốm truyền thống.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh từ những năm 1980, cả vùng có gần 3.000 lò gạch trải dài gần 30km thuộc huyện Long Hồ và huyện Mang Thít hoạt động quanh năm. Hàng ngàn sản phẩm gạch, gốm với mẫu mã, kiểu dáng khác nhau được tạo ra từ bàn tay tài hoa của người thợ thủ công và được người tiêu dùng ưa chuộng. Dù trải qua những năm tháng thăng trầm nhưng không thể phủ nhận nghề gạch, gốm truyền thống một thời đã mang đến cuộc sống ấm no cho người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Nhằm bảo tồn và phát triển nghề gạch, gốm truyền thống, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Di sản đương đại Mang Thít”, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch, gốm. Bước vào thời kỳ phát triển mới, Vĩnh Long kỳ vọng ngành gốm đỏ sẽ tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng mẫu mã và chất lượng cao. Đặc biệt khi đề án "Di sản đương đại Mang Thít” được triển khai, Vĩnh Long sẽ trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, mang lại cho người dân hướng đi mới từ giá trị vốn có của làng nghề truyền thống.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh bộc bạch, việc xây dựng Con đường nghệ thuật gốm đỏ nhằm quảng bá các sản phẩm gốm đỏ Vĩnh Long đến người dân trong và ngoài tỉnh, du khách quốc tế, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo, hướng đến thực hiện hiệu quả đề án “Di sản đương đại Mang Thít”, từng bước đưa sản phẩm gạch, gốm Vĩnh Long vươn xa, thâm nhập thị trường quốc tế. Đây còn là tâm huyết của thế hệ đi sau mong muốn giữ gìn một làng nghề truyền thống vốn chỉ có trên vùng đất này, thể hiện niềm tin và kỳ vọng “Vương quốc gạch gốm” sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.

Lê Thúy Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm