Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban Tổ chức cho biết: Festival Huế lần thứ X năm 2018 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển – Huế 1 điểm đến 5 di sản” sẽ diễn ra từ ngày 27/4 đến ngày 2/5/2018.
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN |
Theo Ban Tổ chức, Festival Huế năm 2018 có chủ đề như vậy là do Thừa Thiên Huế đã có 5 Di sản thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận. Đó là: Di tích Cố đô Huế (năm 1993), Âm nhạc Cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (năm 2010), Châu bản triều Nguyễn (năm 2014), Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế (năm 2016). Huế có hai di sản phi vật thể cấp quốc gia là Ca Huế và Dệt Zèng (A Lưới). Đây là nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng, mang bản sắc đặc trưng của xứ Huế để giới thiệu với công chúng và bạn bè quốc tế.
Festival Huế năm 2018 gắn với các sự kiện chính trị, lịch sử văn hóa của Thừa Thiên Huế và quốc gia như: Kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; 230 năm Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế tại Núi Bân (1788-2018); 25 năm quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới (1993-2018); 15 năm Âm nhạc Cung đình Huế được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại (2003-2018).
Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Dung cũng nêu rõ: Festival Huế lần thứ X là sự kế thừa, khẳng định thành công của các kỳ Festival trước đây. Festival là nơi hội tụ, giao lưu nghệ thuật giữa các nền văn hóa của các quốc gia, góp phần tiếp tục đẩy mạnh quan hệ giao lưu quốc tế. Đặc biệt, Festival Huế đã góp phần giới thiệu quảng bá các giá trị đặc sắc văn hoá Việt Nam, văn hoá Huế, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế trong tiến trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Festival Huế 2018 được tổ chức với quy mô quốc gia và quốc tế, quy tụ nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc, đại diện, mang dấu ấn của những vùng văn hóa khác nhau trên thế giới. Điểm mới của Festival Huế năm 2018 là có thêm chương trình “Văn hiến kinh kỳ” do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện. Đây là chương trình được dàn dựng công phu, hoàng tráng có chiều sâu được nâng cao từ chương trình “Đại Nội về đêm” nhằm tôn vinh 5 Di sản Văn hóa thế giới và kỷ niệm 25 năm quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.
Trong suốt kỳ Festival Huế năm 2018 sẽ diễn ra nhiều chương trình nghệ thuật tiêu biểu, các lễ hội đầy màu sắc và hàng loạt hoạt động văn hóa cộng đồng phong phú, đa dạng. Trong đó, dự kiến, khoảng 20 đoàn nghệ thuật quốc tế sẽ trình diễn các chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Đây cũng là lần đầu tiên, Ban Tổ chức thực hiện Liên hoan “Hát Văn, hát Chầu Văn toàn quốc”. Ngoài ra, Festival Huế lần thứ X còn diễn ra chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn, chương trình nghệ thuật “Những tình khúc Huế”, Lễ hội áo dài, chương trình nghệ thuật đường phố “Sắc màu văn hóa”, âm nhạc đường phố, nghệ thuật sắp đặt được tổ chức ở các đường phố đi bộ... Trong khuôn khổ Festival Huế lần thứ X sẽ có các lễ hội: Lễ hội Văn hóa Phật giáo, chương trình ẩm thực chay, chè Huế, chương trình “Chợ quê ngày hội”, “Hương xưa làng cổ”, "Sóng nước Tam Giang", Lễ hội thiếu nhi “Sắc màu tuổi thơ”, Lễ hội diều...
Thanh Giang
TTXVN