Trình diễn dệt thổ cẩm của dân tộc Hrê, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN |
Ngày hội với nhiều hoạt động chính hấp dẫn như: Trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch của các địa phương; Liên hoan văn nghệ quần chúng; Không gian trưng bày và trình diễn trang phục dân tộc; Trình diễn dệt thổ cẩm; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống các dân tộc; Hội thi ẩm thực; Triển lãm cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng biên giới Việt Nam - Lào, khu vực miền Trung - Tây Nguyên; Tổ chức đoàn famtrip khảo sát du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại huyện A Lưới và kết nối với huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Trong đó không gian trưng bày và trình diễn thổ cẩm là nơi được đông đảo công chúng và du khách đặc biệt quan tâm như: Không gian dệt thổ cẩm của người Giẻ Triêng, thổ cẩm của Bru – Vân kiều, dệt zèng của người Tà Ôi, dệt thổ cẩm của dân tộc Hrê....
Trình diễn quay sợi, dệt thổ cẩm của dân tộc Giẻ Triêng tỉnh Kon Tum. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN |
Tại gian hàng trưng bày của tỉnh Quảng Trị, đông đảo du khách rất thích thú khi chứng kiến cách các nghệ nhân tạo ra một tấm thổ cẩm của người Bru – Vân kiều tại huyện Hướng Hóa, từ khung cửi. Nghệ nhân dệt thổ cẩm Hồ Văn Hồi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, cho biết: Tại các lễ hội, các sự kiện quan trọng của gia đình hoặc của bản làng, người Bru - Vân Kiều thường mang trang phục truyền thống của dân tộc mình. Trang phục người Bru - Vân Kiều chọn tông màu đen làm màu nền chủ đạo với các hoa văn hình tam giác, lục giác quanh viền áo; chủ đề hoa văn trang phục người Vân Kiều cũng được khéo léo lựa chọn là hình ảnh cây, lá, con vật gần gũi với đời sống hàng ngày với mong ước cuộc sống hài hòa với thiên nhiên, nương rẫy, núi rừng nơi người dân sinh sống. Đến với Ngày hội lần này, chúng tôi mong muốn sản phẩm của người Bru – Vân Kiều được nhiều người biết đến và có cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ các dân tộc khác, để bảo tồn và phát triển nghề dệt của dân tộc mình.
Trình diễn dệt thổ cẩm Dèng của các dân tộc tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN |
Tại ngày hội, đồng bào Giẻ Triêng, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, đã giới thiệu và hướng dẫn du khách trải nghiệm việc xe sợi bông, dệt thổ cẩm của dân tộc mình. Nghệ nhân Y Ban, 54 tuổi, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, cho biết: Từ lúc 10 tuổi, bà đã được mẹ truyền lại nghề dệt thổ cẩm. Để có sợi dệt, đồng bào Giẻ Triêng trồng bông từ tháng 5 và thu hoạch vào tháng 10 hằng năm. Bông được phơi khô, bật tơi, xe từng sợi. Để có các màu sắc khác nhau, họ còn phải tìm các loại rễ cây như rễ cầm, rễ trum, rễ chà tâng... giã nhỏ, đun nước để nhuộm màu cho sợi. Phải mất 10 ngày mới tạo ra được một tấm vải đẹp.
Trình diễn dệt thổ cẩm của dân tộc Vân Kiểu, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN |
Ngày hội có sự tham gia của hơn 600 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào các dân tộc 5 tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Lào, khu vực miền Trung - Tây Nguyên là: Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum và 4 tỉnh của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào: Át ta Pư, Sê Kông, Sa Va Na Khẹt, Sa La Van. Các nghệ nhân đã giới thiệu, tôn vinh nét văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc mình thông qua việc trình diễn dân ca, múa dân gian, nhạc cụ dân tộc, trình diễn trang phục.... góp phần thể hiện tình gắn kết keo sơn giữa các dân tộc, giữa các tỉnh, thành của Việt Nam và nước bạn Lào.
Trình diễn bộ sưu tập thổ cẩm Dèng của các dân tộc huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế) của nhà thiết kế Minh Hạnh trong đêm khai mạc ngày hội. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN |
Ông Seng Pheth Loung Sulivan, Đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Salavan, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, cho biết: Chúng tôi rất vinh dự và tự hào khi được tham gia chương trình giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Lào. Tham gia chương trình lần này, Đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Salavan mang đến nét tinh hoa nhất của dân tộc mình. Đó là các điệu múa, làn điệu dân ca, trang phục truyền thống, đặc biệt chúng tôi sẽ giới thiệu cho công chúng Việt Nam biết đến đời sống văn hóa của người Tà Ôi ở tỉnh Salavan thông qua vũ hội thu hoạch mùa màng. Qua lễ hội lần này, chúng tôi cũng mong muốn thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, gắn bó keo sơn giữa hai đất nước Việt Nam – Lào như câu thơ “Việt – Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà Cửu Long”.
Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết: Với chủ đề "Đoàn kết, hữu nghị và phát triển", Ngày hội Giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số các tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Lào khu vực miền Trung - Tây Nguyên là hoạt động tôn vinh, giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc các tỉnh vùng biên giới của 2 nước.
Đến với Ngày hội, du khách được hòa mình vào không khí sôi động với những sắc màu văn hóa truyền thống độc đáo qua sự thể hiện của các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng; cảm nhận những giai điệu dân ca, dân vũ và được chiêm ngưỡng nét đẹp của những bộ trang phục truyền thống, được chung vui, hòa mình vào những trích đoạn lễ cưới truyền thống, được trải nghiệm với không gian trình diễn dệt thổ cẩm, cùng hào hứng cổ vũ cho các môn thể thao truyền thống và nhiều hoạt động du lịch phong phú, hấp dẫn... để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, bạn bè trong nước và quốc tế về hình ảnh đất nước, con người, tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Lào.
Đây cũng là dịp các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc trong khu vực nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc, gắn công tác phát triển văn hóa, thể thao và du lịch với những mục tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đề ra.
Tường Vi