Theo đó, các địa phương nuôi cá tra cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm và hiệu quả sản xuất.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Gò Đàng. Ảnh: Minh Trí - TTXVN |
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu các địa phương tăng cường vận động, tuyên truyền, hỗ trợ xây dựng các mô hình hợp tác để thành các vùng sản xuất tập trung, khuyến khích phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, chỉ thả nuôi khi đã xác định được địa chỉ đầu ra hoặc có liên kết với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong ương, nuôi cá tra; hướng dẫn người nuôi rải vụ, thả nuôi mật độ phù hợp; chỉ sử dụng thuốc, hoá chất trong danh mục cho phép lưu hành khi cần thiết và theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cán bộ kỹ thuật; không sử dụng các loại thuốc, hoá chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát môi trường, phát hiện và xử lý các nguồn xả thải, đặc biệt tại các vùng nuôi, vùng sản xuất giống thuỷ sản tập trung để kịp thời cập nhật thông tin và thông báo kịp thời đến người nuôi và các đối tượng có liên quan. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đề nghị các địa phương khẩn trương triển khai Đề án sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao đã được phê duyệt. Ngoài ra, tăng cường phổ biến thông tin thị trường và các rào cản kỹ thuật cho người nuôi. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm cá tra, bao gồm cả thị trường nội địa. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay, do giá cá tra nguyên liệu, giá cá tra giống ở mức cao và ổn định từ đầu năm 2017 đã tạo đà cho người nuôi tập trung đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, việc người dân và doanh nghiệp tại một số địa phương tự phát ương, nuôi cá tra một cách ồ ạt, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất (từ đất lúa sang đào ao ương, nuôi cá tra) không theo quy hoạch của địa phương, sử dụng đàn cá bố mẹ kém chất lượng để sinh sản, ương, nuôi trong khi chưa được tập huấn về kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm sản xuất, chưa có liên kết để tiêu thụ sản phẩm, chưa nắm bắt rõ quy luật cung - cầu... có thể tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, giảm hiệu quả sản xuất, gây mất cân bằng cung - cầu, làm ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định và bền vững cua ngành hàng cá tra. Theo Tổng cục Thuỷ sản, diện tích nuôi cá tra công nghiệp quý I/2018 đạt khoảng 3.900 ha, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng cá tra đạt khoảng 222.200 tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước (đạt 17.8% kế hoạch). Trong quý I/2018, giá cá tra liên tục đạt mức cao và có xu hướng tăng, giá cá dao động ở mức 27.000 - 29.000 đồng/kg tùy theo chất lượng, kích cỡ và phương thức thanh toán. Có nơi giá được đẩy lên 29.000 - 32.000 đồng/kg như tại An Giang, đây là mức giá rất cao trong nhiều năm qua, giúp người nuôi lãi đậm, trung bình người nuôi lãi khoảng 7.000 đồng/kg, khiến cho người nuôi quay lại đầu tư, mở rộng sản xuất.
Thành Trung