Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kon Tum, hiện toàn tỉnh có 6 Hội quán với 161 thành viên tại thành phố Kon Tum và huyện Đăk Hà. Dù còn khá non trẻ, mới thành lập được hơn một năm, song các hội quán cũng đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực, nhất là việc chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp của các thành viên. Qua đó, rút ngắn được thời gian tìm tòi, nghiên cứu; tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao hơn cho người nông dân.
Hội quán Nông nghiệp và dịch vụ xã Ia Chim, thành phố Kon Tum được thành lập cuối tháng 9/2023 với mục tiêu gắn kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, chung tay xây dựng và phát triển bền vững du lịch cộng đồng và nông nghiệp Ia Chim theo định hướng và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; phát triển du lịch gắn chặt với môi trường “xanh, sạch, đẹp”; tạo ra những nông sản chất lượng cao đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Ông Nguyễn Đức Thịnh - Hội quán Nông nghiệp và dịch vụ xã Ia Chim cho biết, Hội quán được thành lập với số hội viên ban đầu là 41, đến nay đã tăng lên 43 thành viên. Hiện 100% các hội viên đều sản xuất nông nghiệp với loại cây trồng chủ lực là cà phê, hồ tiêu, sầu riêng,… Bên cạnh đó, hội quán cũng hướng đến việc xây dựng, phát triển các mô hình du lịch gắn với Bến du thuyền Ia Chim trong tương lai.
“Việc thành lập hội quán có vai trò quan trọng đối với nông dân, nhất là trong khâu chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Trước kia, vườn cà phê xuất hiện bệnh, nông dân sẽ đến tiệm thuốc bảo vệ thực vật mua về sử dụng chứ không biết chắc chắn về hiệu quả. Có người phải mua mấy lần thuốc mới hết bệnh thì khi đó năng suất, chất lượng của cây cũng đã giảm sút. Còn bây giờ, khi xuất hiện bệnh, mọi người chia sẻ vào hội quán, từ đó sẽ được những người có kinh nghiệm cho giải pháp tốt nhất. Nhờ đó, tiết kiệm được thời gian nghiên cứu. Năng suất, chất lượng cây trồng cũng tăng lên khoảng 20%”, ông Thịnh nói.
Ông Phan Thanh Nam, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Kon Tum cho biết, thành phố đã triển khai mô hình Hội quán từ tháng 7/2023. Qua đó, thành lập được hai hội quán là Hội quán cùng nhau làm du lịch và nông nghiệp xã Đăk Rơ Wa và Hội quán Nông nghiệp và dịch vụ xã Ia Chim với gần 60 thành viên tham gia. Bước đầu, các hội quán đã đạt được mục đích và yêu cầu là tập hợp, tạo điều kiện cho nhóm người cùng sở thích có điều kiện để trao đổi kinh nghiệm làm nông nghiệp hoặc phát triển du lịch.
Trong khi đó, Hội quán sản xuất, chế biến, kinh doanh, sản phẩm OCOP Hà Mòn, huyện Đăk Hà được thành lập vào tháng 8/2023 với 23 thành viên tham gia. Mục tiêu thành lập là tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất nông nghiệp, cây trồng vật nuôi; cổ vũ, động viên và hỗ trợ các thành viên là nông dân trẻ khởi nghiệp và lập nghiệp, phát triển các sản phẩm OCOP trên tiềm năng thế mạnh nguyên liệu của địa phương.
Ông Nguyễn Tri Sáu - Chủ nhiệm Hội quán sản xuất, chế biến, kinh doanh, sản phẩm OCOP Hà Mòn cho biết, tận dụng khoảng không gian có sẵn tại quán cà phê của gia đình, buổi sáng hàng ngày, các thành viên của hội quán đến để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức làm nông nghiệp. Việc phát triển các sản phẩm OCOP là trọng tâm của các buổi thảo luận. Ngoài ra, cứ mỗi tháng một lần, hội quán sẽ tiến hành họp một lần để đánh giá lại quá trình hoạt động.
“Chúng tôi tập trung vào việc tuyên truyền cho các thành viên hội quán thực hiện canh tác nông nghiệp theo quy chuẩn, tiêu chuẩn để đảm bảo các yêu cầu đánh giá, phân hạng OCOP. Mỗi thành viên đều phải ghi chép lại quá trình chăm sóc, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sao cho đảm bảo đúng, đủ; phân tích, tìm ra các nguyên nhân gây bệnh hại cho cây trồng; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn. Hiện có một số sản phẩm nông nghiệp của thành viên Hội quán cũng đã đủ điều kiện chờ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP”, ông Nguyễn Tri Sáu cho hay.
Theo bà Y Hằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kon Tum, dù mới được thành lập, nhưng các hội quán đã mang đến những tín hiệu khá tích cực. Các hội quán duy trì việc sinh hoạt định kỳ, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động sản xuất kinh doanh, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, phương pháp quảng bá, liên kết của các thành viên cùng nhau làm du lịch… Đặc biệt, hoạt động mô hình Hội quán góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ đó tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, việc phát triển các hội quán vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất kinh doanh; việc chia sẻ các áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, áp dụng các mô hình hay, mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ của các thành viên hội quán còn hạn chế, đạt hiệu quả chưa cao.
Ngành nông nghiệp Kon Tum định hướng tăng cường tuyêh truyền, hướng dẫn đoàn viên, hội viên tích cực tham gia làm nòng cốt trong xây dựng và tổ chức hoạt động của hội quán; phối hợp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thay đổi nhận thức, vươn lên trong cuộc sống theo phương châm “Tự lực - hợp tác - chăm chỉ - tiết kiệm”. Đặc biệt, hướng dẫn, hỗ trợ các hội quán xây dựng mã số vùng trồng, xây dựng vùng sản xuất và sơ chế, chế biến bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, áp dụng các quy trình quản lý chất lượng đồng bộ; hỗ trợ xúc tiến thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm để nông dân dễ dàng hơn trong việc tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp.
Dư Toán