Một nhóm nhà nghiên cứu ung thư Trung Quốc đã phát hiện một cơ chế mới, theo đó các vi khuẩn trong ruột liên quan đến bệnh béo phì có thể thúc đẩy sự phát triển của bệnh ung thư ở người bệnh. Quá trình này liên quan đến việc giải phóng các hóa chất cụ thể vốn có thể gây tác động đáng kể đến sự phát triển và lây lan của các tế bào ung thư. Công trình nghiên cứu trên được đăng tải trên tạp chí Proceedings của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ ngày 6/5.
Chế độ ăn nhiều chất béo (HFD) được coi là yếu tố nguy cơ đối với sự tiến triển của một số căn bệnh ung thư, phần lớn là do những tác động gây phá vỡ của chất béo đối với hệ vi sinh vật đường ruột. Tuy nhiên, vai trò chính xác của HFD trong sự tiến triển của ung thư chưa được tìm hiểu rõ trước đây.
Trong công trình nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đại học Sun Yat-sen thực hiện, nhóm này đã thiết lập nhiều mô hình trên chuột mắc bệnh ung thư và phát hiện ra rằng hệ vi sinh vật được nuôi dưỡng bằng chất béo đã giải phóng lượng leucine dồi dào. Đây là một loại axit amin có trong nhiều protein.
Theo nghiên cứu trên, nồng độ leucine tăng cao trong máu ngoại vi được phát hiện có liên quan đến kết quả lâm sàng kém ở bệnh nhân nữ mắc bệnh ung thư vú. Bên cạnh đó, hệ vi sinh vật đường ruột bất thường có liên quan đến sự hình thành khả năng kháng hóa trị và một số liệu pháp miễn dịch đối với bệnh ung thư vú, ung thư phổi và khối u ác tính. Các nhà nghiên cứu nhận định rằng những phát hiện nói trên mở ra hy vọng mới cho điều trị ngăn chặn ung thư bằng cách nhắm vào sự chuyển hóa bất thường của hệ vi sinh vật đường ruột.
Thanh Hương