Đột phá trong nghiên cứu phát hiện sớm ung thư ruột

Các nhà nghiên cứu Australia đã đạt được bước đột phá mới khi tìm ra cách phát hiện ung thư ruột mà không cần xét nghiệm phân.

Hiện nay, ung thư ruột chỉ có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu ẩn trong phân (FOBT), nhằm tìm kiếm dấu vết máu không nhìn thấy bằng mắt thường trong mẫu phân. Trong nghiên cứu mới được công bố ngày 24/1, một nhóm nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Nam Australia, Đại học Adelaide và các đối tác tại Đại học Columbia ở Mỹ đã phát hiện ra cách điều chỉnh một loại vi khuẩn sinh học để giúp phát hiện sớm các khối u ung thư ruột. Loại vi khuẩn sinh học Escherichia coli Nissle, được bác sĩ người Đức Alfred Nissle phát hiện lần đầu tiên trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, và đã được sử dụng để điều trị rối loạn đường ruột.

Nhóm nghiên cứu do các nhà khoa học Australia dẫn đầu đã phát hiện ra rằng khi vi khuẩn sinh học Escherichia coli Nissle hiện diện trong ruột, chúng thích sống trong các tổn thương vốn là tiền thân của ung thư ruột và các khối u ung thư ruột. Vì vậy, nhóm đã điều chỉnh vi khuẩn để chúng có thể giải phóng các phân tử làm dấu hiệu nhận biết các bệnh ung thư giai đoạn đầu.

Susan Woods, tác giả nghiên cứu chính, cho biết đột phá này có thể giúp chẩn đoán ung thư ruột sớm hơn và mà không cần biện pháp xâm lấn. Khi xác định được vị trí khối u, vi khuẩn sẽ tiết ra chất làm dấu hiệu nhận biết và chất này có thể được phát hiện trong nước tiểu. Trong tương lai, nhóm nghiên cứu hướng tới việc có thể phát hiện dấu hiệu này trong xét nghiệm máu.

Theo Hội đồng Ung thư Australia, ung thư ruột là loại bệnh ung thư phổ biến thứ 4 ở nước này, với ước tính 15.300 ca chẩn đoán vào năm 2023. Độ tuổi trung bình bị chẩn đoán mắc bệnh là là 69 tuổi. Australia có Chương trình sàng lọc ung thư ruột quốc gia, theo đó phát miễn phí cho mỗi người dân ở độ tuổi 50-74 dụng cụ FOBT để thực hiện tại nhà 2 năm một lần.

Lê Ánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm