Tìm nguồn quỹ bền vững cho xúc tiến, quảng bá du lịch

Tìm nguồn quỹ bền vững cho xúc tiến, quảng bá du lịch
Cần cơ chế hỗ trợ tự lực

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Du lịch (sửa đổi). Đa số đại biểu đều tán thành việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch nhằm tạo điều kiện triển khai các hoạt động du lịch một cách mạnh mẽ và hiệu quả hơn, hướng tới phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tìm nguồn quỹ bền vững cho xúc tiến, quảng bá du lịch ảnh 1
Xúc tiến, quảng bá là một khâu quan trọng để thu hút du khách quốc tế đến với Việt Nam. Ảnh minh họa: Internet

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam: Vấn đề liên quan đến Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đã được đề cập đến trong Luật Du lịch năm 2005 nhưng đó mới chỉ là gợi mở, đặt ra vấn đề cần phải có Quỹ để đầu tư cho công tác xúc tiến, quảng bá. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là nguồn tài chính để Quỹ hoạt động thì trong suốt 12 năm qua chưa thể xây dựng được, không tìm được nguồn nào đóng góp cho Quỹ… Ngân sách nhà nước cấp hàng năm cho công tác quảng bá, xúc tiến chỉ đạt từ 1-2 triệu USD và không thay đổi trong suốt hàng chục năm qua. Kinh phí này của Việt Nam chỉ bằng 2,9% so với Thái Lan; 2,5% so với Singapore; 1,9% của Malaysia…

Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) cũng nhận định: Kinh phí hạn hẹp phần nào ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả của hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Tuy đã ít nhưng kinh phí này còn bị phân tán, dùng để triển khai nhiều nhiệm vụ cùng lúc, do đó chưa tạo thành động lực mang tính đột phá, làm thay đổi căn bản hoạt động xúc tiến du lịch. Đặc biệt, vấn đề kinh phí cũng hạn chế khả năng sử dụng, khai thác các hình thức, công cụ xúc tiến du lịch phổ biến và hiệu quả trên thế giới như quảng cáo trên các phương tiện thông tin truyền thông nước ngoài, ứng dụng marketing điện tử...

Trong dự thảo Luật Du lịch sửa đổi lần này đã đề cập đến các nguồn thu cho Quỹ hỗ trợ và phát triển du lịch với một số nguồn thu cụ thể. Trong đó có vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp; nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hợp pháp của các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn thu hợp pháp khác…

Tìm nguồn quỹ bền vững cho xúc tiến, quảng bá du lịch ảnh 2
Cần hướng tới phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ảnh minh họa: Internet

Các doanh nghiệp du lịch khi đóng góp cho dự thảo Luật Du lịch sửa đổi đều đồng lòng kiến nghị cho rằng: Cần có nguồn thu từ khách du lịch để bổ sung nguồn thu vào Quỹ một cách hiệu quả và bền vững. Đây là cách làm hợp lý nhất và đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện.

Ông Vũ Thế Bình cũng cho rằng: Luật Du lịch sử đổi cần tạo cơ chế cho ngành du lịch tự lực trong việc tìm ra nguồn hợp lý bổ sung cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước cấp một lần thì chẳng bao lâu sẽ hết. Muốn tái tạo nguồn thu thì phải tìm được nguồn quỹ ổn định, trong đó ổn định nhất là thu trực tiếp từ khách du lịch, từ các doanh nghiệp du lịch. Nếu không Quỹ vẫn sẽ tiếp tục chỉ tồn tại trên danh nghĩa như 12 năm qua.

Thu từ khách du lịch là hợp lý

Theo nghiên cứu của Tổng cục Du lịch: Một trong những cách phổ biến nhất mà chính phủ nhiều quốc gia áp dụng để tạo nguồn thu cho Quỹ Du lịch là áp dụng thuế với khách quốc tế nhập cảnh, xuất cảnh hoặc nghỉ qua đêm tại các cơ sở lưu trú.

Ví dụ như tại các nước châu Âu, từ ngày 1/7/2016, một loạt các nước châu Âu đồng loạt áp dụng thuế lưu trú đơi với khách du lịch. Mức thu do từng quốc gia quy định. Tại Pháp mức thuế áp dụng dựa trên chất lượng và thứ hạng của cơ sở lưu trú, thường từ 0,204 EUR/người/đêm. Trong khi đó tại Bỉ, mức thuế lưu trú được áp dụng theo từng thành phố… Còn tại Hoa Kỳ, Sở thuế bang South Dakota, áo dụng thuế du lịch quanh năm hoặc theo mùa với tỷ lệ 1,5% trên tổng doanh thu khách sạn. Ở khu vực châu Á, Trung Quốc quy định khách sử dụng máy bay đi du lịch nước ngoài sẽ chi trả 90 Nhân dân tệ cho Quỹ phát triển hàng không, trong đó trích 20 Nhân dân tệ đưa vào Quỹ phát triển du lịch. Hàn Quốc cũng áp dụng thu khoản tiền 10.000 Won/người khi khách du lịch làm thủ tục xuất cảnh ở sân bay…

Theo nghiên cứu của Tổng cục Du lịch: Nguồn thu từ khách du lịch sử dụng dịch vụ lưu trú là phù hợp với chủ trương của Đảng về phát triển du lịch. Trong Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng nêu rõ: “Thành lập và có cơ chế quản lí, sử dụng hiệu quả, minh bạch Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Ngân sách nhà nước hỗ trợ ban đầu cho Quỹ và hàng năm được bổ sung từ nguồn thu lệ phí thị thực nhập cảnh, phí tham quan du lịch, đóng góp của doanh nghiệp, khách du lịch và các nguồn hợp pháp khác...”

Cũng có ý kiến đề cập đến nguồn thu từ phí tham quan. Thực tế, phí tham quan được quy định trích lại 90-95% số tiền thu được đề bù đắp cho hoạt động; nộp ngân sách nhà nước 5-10%. Mặt khác, phần lớn các địa điểm tham quan do địa phương quản lí, do đó nguồn phí này do địa phương thu, quản lí, sử dụng. Nếu điều chỉnh mức nộp ngân sách cao hơn sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu của địa phương. Một loại phí khác cũng được nhắc đến đó là nguồn thu từ phí thực thực nhập cảnh. Đây được coi là nguồn thu khả thi nhất hiện nay. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, khách du lịch được miễn visa ngày càng mở rộng, do đó nguồn thu này sẽ giảm mặc dù số lượng khách ngày càng tăng…

Tìm nguồn quỹ bền vững cho xúc tiến, quảng bá du lịch ảnh 3
Ngành du lịch đề xuất các nguồn thu cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Ảnh minh họa: Internet

Nguồn thu từ khách du lịch sử dụng dịch vụ lưu trú sẽ là nguồn tương đối ổn định và tương ứng với quy mô phát triển của ngành du lịch theo thời gian. Lượng khách du lịch tăng thì nguồn thu cũng sẽ tăng, đồng thời giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc chi cho các hoạt động xúc tiến du lịch. Nếu được thông qua, dự kiến trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện, chính sách này chỉ áp dụng thu với khách quốc tế nhập cảnh Việt Nam, lưu trú ít nhất 1 đêm tại các cơ sở lưu trú được xếp hạng 3 sao trở lên. Trong giai đoạn này, ước tính du lịch Việt Nam đón 13 triệu lượt khách quốc tế/năm, trung bình khách lưu trú trong 5 đêm. Với mức thu dự kiến được đề xuất là 20.000 đồng/người/đêm; 40% cơ sở lưu trú ở nước ta đạt từ 3 sao trở lên. Từ đó có thể tính được, trong một năm, mức thu từ khách quốc tế lưu trú sẽ đạt khoảng 520 tỷ đồng. Nguồn này được dự kiến sẽ phân bổ 50% về Quỹ; 30% cho du lịch địa phương và 20% cho công tác thu chi…

Chỉ còn ít thời gian nữa, dự kiến các Đại biểu quốc hội sẽ bấm nút thông qua dự thảo Luật Du lịch sửa đổi. Những người làm du lịch cả nước đang rất trông chờ quyết định từ phía Quốc hội, Chính phủ về nguồn thu hiệu quả cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, để Quỹ thực sự trở thành “bà đỡ” hiệu quả cho công tác quảng bá, xúc tiến, thu hút khách quốc tế./. 
Thanh Giang (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm