Ngày 22/12, Gala "Sâm Ngọc Linh trên đất Sơn La - Từ Quốc bảo trở thành sinh kế" đã được tổ chức tại thành phố Sơn La.
Tại Gala, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đưa ra những giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng, giá trị sâm Ngọc Linh trên đất Sơn La, như: Hành trình đưa cây sâm Ngọc Linh về với Sơn La; đồng hành cùng doanh nghiệp, nông dân trong việc thử nghiệm trồng và hướng mở trong phát triển loại sâm quý này ở Sơn La; lợi ích kép khi phát triển cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng; phân tích, đánh giá về cơ chế, chính sách phát triển sâm Ngọc Linh; tìm giải pháp, đề xuất với các cơ quan chuyên môn trong việc thúc đẩy mở rộng, phát triển sâm Ngọc Linh…, góp phần đưa “Sâm Ngọc Linh - từ Quốc bảo trở thành sinh kế” cho người dân Sơn La.
Tại Sơn La, cây sâm Ngọc Linh được ông Nguyễn Chí Long, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư xây dựng Thành Long ở huyện Mai Sơn mang về trồng thử nghiệm cách đây 18 năm.
Ông Nguyễn Chí Long chia sẻ, đầu tiên, ông chỉ mua cây giống của những người nông dân bán hàng rong. Bởi thực tế khi đi tìm cây sâm Ngọc Linh trong rừng rất khó nhận biết mà chỉ dựa vào quả sâm màu đỏ mới biết được. Từ những trăn trở, ấp ủ trong lòng, ông đã quyết tâm đưa sâm Ngọc Linh về trồng. Sau nhiều năm tìm tòi, thử nghiệm, nghiên cứu, cây sâm Ngọc Linh trồng ở Sơn La phát triển tốt và chất lượng không thua kém sâm Ngọc Linh trồng tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và một số tỉnh khác.
Không chỉ trồng thành công, ông Nguyễn Chí Long còn sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng tốt từ Sâm Ngọc Linh. Năm 2021, Công ty bắt đầu sản xuất cao sâm, rượu sâm và rượu cao sâm Ngọc Linh Thành Long. Năm 2022, cả ba sản phẩm này đều được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao.
Trong quá trình làm việc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội có cơ hội nghiên cứu nhiều loại dược liệu, trong đó có sâm Ngọc Linh. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Tú, đây là một sản phẩm đặc biệt, rất tốt cho sức khỏe, nhất là đối với người cao tuổi. Từ những nghiên cứu về thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu, cây giống... cho thấy hàm lượng chất có trong sâm Ngọc Linh ở Sơn La rất tốt. Để trồng được sâm Ngọc Linh trên đất Sơn La, người trồng cần có những kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu. Yếu tố tiên quyết là phải làm chủ, thích ứng được với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết mới giúp cho cây sâm phát triển được.
Sơn La là tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp lớn, nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển các loài dược liệu dưới tán rừng, trong đó có cây sâm Ngọc Linh. Theo khảo sát, 41 xã vùng cao của một số huyện trên địa bàn tỉnh Sơn La có điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái gần tương đồng với vùng phát triển của cây sâm Ngọc Linh.
Trên địa bàn tỉnh, 5 huyện, gồm Mường La, Bắc Yên, Mai Sơn, Sốp Cộp, Thuận Châu đã đề xuất hình thành vùng trồng với diện tích dự kiến trồng 3.688 ha sâm. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nghiên cứu, đánh giá đầy đủ về điều kiện lập địa, sinh thái… làm cơ sở cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ di thực cây sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công đề nghị các cơ quan chức năng đồng hành cùng với người trồng sâm Ngọc Linh, đặc biệt là tại các huyện Bắc Yên, Mường La, Mai Sơn, đây là những nơi có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp để trồng cây sâm này. Các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh tích cực vào cuộc để xây dựng các mô hình khuyến nông... Tỉnh Sơn La sẽ có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích phát triển loại cây quý này, qua đó, xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm sâm Ngọc Linh Sơn La, kỳ vọng đưa sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh.
Quang Quyết