Những nông dân vùng cao giỏi làm giàu

Những nông dân vùng cao giỏi làm giàu

Hưởng ứng các phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi do các ngành, địa phương của tỉnh Sơn La phát động đã xuất hiện ngày càng nhiều "Tỷ phú nông dân" với những cách làm hay, sáng tạo; trong đó có anh Bùi Ngọc Thắng và chị Nguyễn Thị Bình ở bản Kiến Xương, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu.

Những nông dân vùng cao giỏi làm giàu ảnh 1Chè là cây trồng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhân dân xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN

Sinh ra và lớn lên trong gia đình là những nông dân thuần túy, từ khi còn nhỏ, anh Bùi Ngọc Thắng đã cùng bố mẹ lên nương trồng ngô, trồng sắn. Tuy nhiên, việc canh tác nông nghiệp theo thời vụ, nhỏ lẻ, không có liên kết nên thu nhập không cao.

Nhận thấy tại nơi ở có khí hậu mát mẻ, gia đình anh Thắng quyết định chuyển sang mô hình trồng cây ăn quả. Năm 2016, gia đình anh bắt đầu trồng 3ha bưởi, 1 ha hồng giòn, 8 ha mận, đào theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ vậy, cây trồng phát triển tốt, sản lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, mỗi năm gia đình anh Thắng thu hoạch được khoảng 30 tấn quả các loại, thu nhập trên 300 triệu đồng.

Nhằm liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các hộ trồng cây ăn quả, cũng trong năm 2016, anh Thắng đứng ra vận động các hộ dân trong bản thành lập Hợp tác xã Du lịch Pha Đin, với 7 thành viên. Hiện nay, hợp tác xã có khoảng 35 ha trồng hồng giòn, bưởi, mận, đào, ổi... Để nâng cao chất lượng sản phẩm, các thành viên của hợp tác xã chỉ sử dụng các nguyên liệu như cá, đậu tương, bột vi sinh để sản xuất phân bón hữu cơ chăm sóc cho cây. Đồng thời, đầu tư hệ thống tưới phun sương hiện đại, đáp ứng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trở lên.

Mỗi năm, hợp tác xã cung cấp ra thị trường hơn 60 tấn quả các loại, sau khi trừ chi phí, bình quân một thành viên thu nhập 150 triệu đồng/năm; tạo việc làm cho 15 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ.

Ông Bùi Văn Đồng, bản Kiến Xương, xã Phổng Lái, thành viên hợp tác xã, thông tin: Sau khi tham gia thành viên hợp tác xã, ông Đồng được hướng dẫn kỹ thuật theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, các quy trình chăm sóc đều ghi vào sổ nhật ký, biết được cách trồng, chăm sóc cây ăn quả theo hướng an toàn. Đến nay, hơn 3ha cây ăn quả gồm mận, hồng, đào của gia đình ông Đồng phát triển tốt, bình quân đạt hơn 20 tấn quả/năm, thu nhập từ 180 triệu đồng - 200 triệu đồng.

Không chỉ có thu nhập cao từ cây ăn quả, anh Thắng còn tiên phong mở ra hướng phát triển du lịch trên đèo Pha Đin. Anh Thắng chia sẻ: Đèo Pha Đin có độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, được mệnh danh là một trong "tứ đại đỉnh đèo" vùng Tây Bắc. Pha Đin không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn có yếu tố địa lý độc đáo nên anh quyết định đầu tư phát triển du lịch.

Khu du lịch Pha Đin Top có diện tích hơn 30 ha, được chia làm nhiều khu, mỗi khu được thiết kế, đầu tư xây dựng theo phong cách riêng để đáp ứng nhu cầu của du khách. Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2018, đến nay Pha Đin Top trở thành điểm dừng chân quen thuộc của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là các ngày lễ lớn, dịp cuối tuần.

Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, bản Kiến Xương, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu cũng là một cá nhân tiêu biểu được nhiều người biết đến.

Với mong muốn phát triển giống chè của địa phương vươn xa và tạo thương hiệu tại thị trường trong nước, quốc tế, năm 2013, bà Nguyễn Thị Bình đã liên kết thành lập Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận để sản xuất, nâng cao chất lượng chè và bao tiêu sản phẩm chè cho người dân địa phương.

Đến năm 2018 thương hiệu chè Phổng Lái đã ra đời, năm 2019, hợp tác xã đã chính thức cho ra mắt sản phẩm chè Trọng Nguyên và được đánh giá là sản phẩm OCOP 4 sao. Trước đây, hợp tác xã được giao vùng nguyên liệu trồng chè khoảng hơn 300ha, đến nay đã lên tới 1.300ha. Hàng năm, hợp tác xã còn thu mua gần 3.000 tấn chè búp tươi của hơn 400 hộ trồng chè tại địa phương để sản xuất hơn 40 tấn chè phục vụ xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Bình cho hay, hợp tác xã luôn cố gắng đồng hành cùng với bà con, đã liên kết, bao tiêu sản phẩm cho hơn 400 hộ dân, với gần 500 ha chè. Bên cạnh đó, hợp tác xã luôn tích cực tuyên truyền tới các hộ liên kết để sản xuất đạt yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, bao bì... Như vậy, giá trị của sản phẩm sẽ tăng lên, đầu ra và thu nhập hợp tác xã và bà con cũng ổn định hơn.

Để đạt được sản phẩm chè tốt, bà Nguyễn Thị Bình luôn đồng hành cùng người dân chăm sóc, thu hái chè theo đúng quy trình để đảm bảo chất lượng tốt nhất xuất bán ra thị trường; tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho hàng trăm lao động ở địa phương chăm sóc và hái chè.

Anh Nguyễn Xuân Thủy, tiểu khu 4, thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu cho biết, Anh Thủy làm việc ở xưởng chè Trọng Nguyên đã được 3 năm, công việc ở đây phù hợp sức khỏe và thu nhập ổn định. Anh mong muốn tiếp tục được làm việc lâu dài tại hợp tác xã.

Để làm ra những sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn, chất lượng, bà Bình cũng đã đầu tư nhiều trang thiết bị, máy móc và tuyển chọn 10 lao động địa phương làm việc tại các khâu chế biến như: sao diệt men, vận hành máy vò hoặc chảo vò thủ công, máy sấy chè, sử dụng băng tải và công đoạn lên hương chè.

Sản phẩm chè Trọng Nguyên của hợp tác xã được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến nghiêm ngặt, luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên đã thu hút được rất nhiều khách hàng.

Hiện nay, sản phẩm chè của hợp tác xã không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc); trong đó, tại thị trường trong nước tiêu thụ khoảng 30 tấn - 40 tấn/năm; thị trường Đài Loan tiêu thụ khoảng 500 tấn - 600 tấn/ năm, tương đương gần 3.000 tấn chè búp tươi.

Với những kết quả đạt được, anh Bùi Ngọc Thắng và chị Nguyễn Thị Bình vinh dự được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen, Giấy chứng nhận của Trung ương và địa phương; được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023.

Quang Quyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm