Năm 2023, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản nâng cao chất lượng cuộc sống. Huyện cũng chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập. Qua đó, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững.
Thực hiện mục tiêu huyện thoát nghèo vào năm 2025, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện kế hoạch giảm nghèo; chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Huyện triển khai các chính sách hỗ trợ hộ nghèo về bảo hiểm y tế, giáo dục, nhà ở, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất.
Hiện toàn huyện có 16.026 lượt hộ được vay 722 tỷ đồng vốn ưu đãi từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đầu tư phát triển sản xuất. Các cơ quan chuyên môn của huyện đã bám sát từng địa bàn, phối hợp với các xã hướng dẫn nhân dân cách trồng, chăm sóc, cải tạo vườn tạp và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là sản xuất theo quy trình VietGAP, sản xuất an toàn.
Theo thống kê, Thuận Châu hiện có hơn 4.300 ha cây ăn quả các loại và 5.167 ha sơn tra; 11 chuỗi liên kết sản xuất; 21 chuỗi cung ứng nông sản an toàn; 6 mã số vùng trồng gồm các sản phẩm như xoài, nhãn, thanh long; 107 ha cây trồng được sản xuất theo hướng hữu cơ. Huyện có 11 sản phẩm được công nhận nhãn hiệu chứng nhận bảo hộ. Các sản phẩm thanh long, chanh leo, chè... đã xuất khẩu sang Nga, Trung Quốc... Huyện cũng có 5 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Gia đình chị Hoàng Thị Thảo, bản Quỳnh Thuận (xã Chiềng Pha) trồng thanh long từ năm 2018. Đến năm 2019, gia đình chị được huyện hỗ trợ 70% về giống, phân bón để xây dựng mô hình trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Chị Thảo chia sẻ, gia đình chị được cán bộ, nhân viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ kỹ thuật trồng, bao bì đóng gói, tem truy xuất nguồn gốc, sản xuất theo quy trình VietGAP. Cây thanh long cũng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng cùng với việc áp dụng tốt khoa học kỹ thuật, sản xuất rải vụ…, cho thu nhập ổn định hơn so với một sốt loại cây trồng khác. Vì vậy gia đình chị yên tâm phát triển, mở rộng diện tích trồng thanh long. Đến nay, gia đình chị Thảo có hơn 1,7 ha thanh long, thu lãi bình quân gần 200 triệu/năm.
Bên cạnh lĩnh vực trồng trọt, nhân dân trong huyện cũng tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Đặc biệt, ở các xã vùng cao, bà con ngày càng mở rộng diện tích trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng. Toàn huyện hiện có trên 90.000 con gia súc, gia cầm các loại. Là một trong những hộ nghèo ở bản Chiềng Ly, xã Chiềng Ly, năm 2022, gia đình anh Lường Văn Dẫn được hỗ trợ bò giống để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ sự hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi của các phòng, đơn vị chuyên môn, gia đình anh tập trung chăm sóc tốt để bò sinh sản, phát triển kinh tế gia đình, sớm vươn lên thoát nghèo.
Cùng với việc phát triển mạnh ngành Nông nghiệp, huyện Thuận Châu đang khai thác tiềm năng, lợi thế, tăng cường các hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch; tập trung quy hoạch, thu hút đầu tư và phát triển du lịch đèo Pha Đin; quan tâm, khuyến khích đầu tư xây dựng các điểm du lịch cộng đồng tại xã Mường É, Phổng Lái gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào đang sinh sống trên địa bàn.
Từ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và nhiều giải pháp đồng bộ, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn gần 31%, giảm 6,1% so với năm 2021; hộ cận nghèo còn 16,2%. Năm 2023, toàn huyện phấn đấu giảm hộ nghèo còn khoảng 26,1%, hộ cận nghèo còn 13,6%; trong đó, các xã đặc biệt khó khăn giảm tổng tỷ lệ từ 6% trở lên.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu Đinh Mạnh Hùng, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của nhân dân, thay đổi tư duy sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Huyện cũng tập trung đào tạo nghề, tạo việc làm cho nhân dân, nhất là thanh niên; đẩy mạnh huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế; huy động nguồn lực xây dựng các mô hình và tổng kết nhân rộng các mô hình kinh tế điển hình, tiên tiến trong nhân dân.
Những bước đi bài bản, chắc chắn, cùng những kết quả đã đạt được trong hành trình thoát nghèo sẽ là tiền đề vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thuận Châu tự tin, vững bước về đích đúng kế hoạch đã đề ra.
Quang Quyết