Tiền Giang phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng

Du khách quốc tế xuống tàu tham quan sông nước Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Du khách quốc tế xuống tàu tham quan sông nước Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân, nhờ có nhiều giải pháp phục hồi và phát triển ngành Du lịch sau đại dịch COVID-19, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đón trên 600.000 lượt du khách, tăng 65,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng du khách quốc tế đạt gần 163.000 lượt người, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu trực tiếp từ du lịch đạt 380 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước.

Tiền Giang phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng ảnh 1Du khách quốc tế xuống tàu tham quan sông nước Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Ông Võ Phạm Tân cho biết, trong năm 2022 và nửa đầu năm 2023, Tiền Giang đã triển khai nhiều chính sách phát triển du lịch trong tình hình mới với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và các doanh nghiệp lữ hành trong, ngoài tỉnh. Điểm nhấn là cùng với xây dựng chương trình, kế hoạch phục hồi du lịch cụ thể, phù hợp, mang lại hiệu quả, các doanh nghiệp lữ hành đồng loạt cùng đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, có sự đầu tư nghiên cứu phát triển những sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách; đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại trên lĩnh vực du lịch, hướng tới các thị trường du lịch và đối tượng du khách tiềm năng.

Tỉnh chú trọng đổi mới hoạt động du lịch thông qua hình thành các tour, tuyến du lịch mới gắn với các danh lam, thắng cảnh nổi tiếng của địa phương cũng như phát triển những loại hình du lịch đang hấp dẫn du khách như: du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp…phục vụ cả đối tượng du khách trong nước cũng như ngoài nước. Từ đó, góp phần tăng lượng khách, tăng doanh thu vừa tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn.

Đây cũng là một trong những yếu tố tích cực thúc đẩy hoạt động du lịch tại địa phương trong nửa đầu năm 2023 khởi sắc, đặc biệt là lượng du khách quốc tế đang tăng mạnh.

Tiền Giang có nhiều ưu thế thế phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, đa dạng về tiểu vùng sinh thái: ngọt, lợ, mặn, trên 80.000 ha vườn trồng cây ăn quả đặc sản, nhiều di tích, danh lam thắng cảnh hấp dẫn du khách.

Du khách đến Tiền Giang đang bị thu hút bởi những sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp chất lượng như: vùng kiểm soát lũ, vùng Đồng Tháp Mười, cù lao trên sông Tiền, ven biển Gò Công…được đầu tư khai thác một cách bài bản, tạo dấu ấn và đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm.

Qua thống kê, toàn tỉnh có 46 khu, điểm du lịch cùng hàng trăm lò bánh kẹo, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và làng nghề truyền thống nông thôn.

Đáng chú ý, loại hình du lịch nông nghiệp - nông thôn đang phát triển mạnh với hàng chục điểm du lịch ở khắp các địa bàn trọng điểm trong tỉnh. Trong đó, 3 điểm du lịch được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh xếp hạng gồm: hai điểm đạt 4 sao là nhà cổ Ba Đức (Cái Bè) và Trại rắn Đồng Tâm (Châu Thành), một điểm đạt OCOP 3 sao là vườn lan Thảo Nguyên (thành phố Mỹ Tho).

Du lịch nông thôn ở Tiền Giang đang phát triển nhanh, mạnh và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho cộng đồng tại địa phương, thu hút lao động việc làm cho người dân. Do vậy, nhiều địa phương trong tỉnh đang tích cực khuyến khích người dân, nhà đầu tư khai thác loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ đó, tiến tới hình thành hệ thống sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, hấp dẫn du khách trong ngoài nước.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm