Sóng biển xâm thực mạnh vào đất liền tại huyện Gò Công. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN) |
Hiện các hạng mục chính đã hoàn thành, đưa vào sử dụng gồm xử lý đoạn kè mái đê biển Gò Công bị sạt, xói lở và lún sụp, thi công cống Rạch Bùn mới và nhà quản lý, các cống dưới đê…
Nguồn đầu tư trên trong khuôn khổ Chương trình nâng cấp đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang theo Quyết định số 667/QĐ- TTg ngày 27/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Chương trình nâng cấp đê biển kể trên, Tiền Giang được Trung ương đầu tư 887 tỷ đồng nâng cấp trên 21 km đê biển, trên 75 km đê cửa sông, tu sửa các cống dưới đê, cứng hóa mặt đê đoạn xung yếu… triển khai thực hiện từ năm 2009 đến năm 2020.
Tuy nhiên, qua khoảng 7 năm (2009 – 2015), nguồn vốn đầu tư chỉ mới chiếm 19% tổng kinh phí dự toán. Do nguồn vốn bố trí hàng năm hạn hẹp nên tiến độ nâng cấp đê biển Gò Công rất chậm. Ngoài ra, do tác động của biến đổi khí hậu, tuyến đê biển đang đối mặt với những nguy cơ cao về sạt lở, bị xâm thực dữ dội làm mất rừng phòng hộ bảo vệ bên ngoài đê…
Thi công đoạn xung yêu - Báo Tiền Giang |
Qua khảo sát của ngành chức năng, tốc độ xói lở gây xâm thực rừng phòng hộ đê biển ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt tại những đoạn xung yếu, rừng phòng hộ bị mất hoàn toàn. Những nơi khác, đai rừng cũng chỉ còn dày từ 20 đến 50 m. Với tốc độ xâm thực như hiện nay, nếu không có giải pháp khả thi, đến năm 2020, rừng phòng hộ bảo vệ đê biển Gò Công cơ bản không còn. Khi đó, đê biển Gò Công phải đối mặt trực diện với sóng gió biển Đông, nguy cơ sạt lở, đe dọa an toàn đê cũng như tính mạng và tài sản người dân nhất là vùng ven biển Gò Công.
Trước tình trạng trên, trong tháng 12/2015, Tiền Giang đã có công văn đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp tỉnh kinh phí 405 tỷ đồng để đầu tư làm kè bảo vệ mái đê biển Gò Công tại những đoạn xung yếu, cứng hóa mặt đê đồng thời triển khai các giải pháp chống xói lở, gây bồi và trồng rừng phòng hộ, chắn sóng, chắn gió bảo vệ tuyến đê quan trọng này.