Rừng phòng hộ Gò Công bị xâm thực mạnh. Ảnh: Minh Trí - TTXVN |
Trước tình hình trên, tỉnh Tiền Giang thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm bớt tác động của thiên tai, khôi phục rừng phòng hộ kết hợp với bảo vệ tuyến đê xung yếu để ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ hơn 37.000 ha đất canh tác và dân cư duyên hải Gò Công. Đối với khu vực đã mất hoàn toàn đai rừng phòng hộ, tỉnh đầu tư làm kè kiên cố bảo vệ đê với tổng chiều dài hơn 6.400 m, đồng thời triển khai xây dựng kè mềm gây bồi, tạo bãi trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển Gò Công tại địa bàn xã Tân Điền, huyện ven biển Gò Công Đông. Tổng chiều dài tuyến kè mềm là 1.420 m và kinh phí đầu tư lên tới 56,22 tỷ đồng. Mặt khác, được sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh triển khai dự án nâng cấp đê biển Gò Công nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu có tổng kinh phí trên 887 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện được trên 236 tỷ đồng. Địa phương đang đề nghị Trung ương tăng thêm kinh phí cấp hàng năm để sớm hoàn thành toàn bộ dự án.
Theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang, trong thời gian tới, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tác động mạnh mẽ của con người vào chế độ dòng chảy trên sông Mê Công... sẽ làm tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tại địa phương càng thêm phức tạp và tăng mạnh về cường độ. Do vậy tỉnh tăng cường quản lý tốt diện tích rừng phòng hộ hiện có; thường xuyên quan sát và theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở và mất rừng phòng hộ trên toàn tuyến để có giải pháp khắc phục kịp thời, khả thi. Trong đó, tỉnh tiếp tục đầu tư gia cố bảo vệ mái đê biển tại những vị trí sạt lở không còn rừng phòng hộ; về lâu dài sẽ đầu tư công trình giảm sóng, gây bồi nhằm khôi phục rừng phòng hộ. Tỉnh cũng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc thích ứng biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai bờ biển, bảo vệ rừng phòng hộ, tài nguyên rừng.
Minh Trí