Tiền Giang được mùa lúa

Tiền Giang được mùa lúa

Trong vụ Đông Xuân 2022 - 2023, nông dân Tiền Giang xuống giống trên 48.000 ha, vượt 1,3% so với kế hoạch đề ra. Đến cuối tháng 3/2023, bà con đã thu hoạch được gần 45.000 ha, năng suất bình quân 71 tạ/ha, sản lượng trên 320.000 tấn lúa. Các huyện trong tỉnh đang khẩn trương thu hoạch nhanh gọn trà lúa Đông Xuân còn lại trong những ngày tới.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, Vụ Đông Xuân năm nay, giá lúa tăng hơn từ 500 đồng đến 1.000 đồng/kg, tùy giống. Nông dân lãi khá, bình quân đạt khoảng 30 triệu đồng/ ha.

Tiền Giang được mùa lúa  ảnh 1Thu hoạch lúa Đông Xuân ở Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành Nam. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Các huyện vùng ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh đã xuống giống được trên 21.500 ha, là một trong những vùng trồng lúa chất lượng cao nổi tiếng ở tỉnh Tiền Giang với các giống ST 24, ST 25, Đài Thơm 8, Nàng Hoa 9..., được ưa chuộng trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tại đây, giá các giống lúa chất lượng cao đều tăng khá so với vụ Đông Xuân năm trước. Điển hình như các giống lúa ST 24, ST 25 thương lái thu mua từ 7.200-7.300 đồng/kg; Nàng Hoa 9 thương lái thu mua từ 7.100-7.200 đồng/kg; lúa giống OM 5451 giá 6.800 đồng/kg; Đài thơm 8 giá 7.000 đồng/kg…

Theo đánh giá, nhờ những giải pháp chủ động ứng phó hạn mặn, giảm nhẹ thiên tai, Tiền Giang đã có vụ sản xuất bội thu, trúng mùa, trúng giá.

Ngay từ đầu mùa khô 2022 – 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang triển khai nhanh kế hoạch ứng phó hạn – mặn, đảm bảo nước tưới vụ Đông Xuân; trong đó, tập trung giải phóng các chướng ngại vật lòng kênh, khai thông dòng chảy trên các tuyến kênh trục, kênh cấp 1 và kênh cấp 2; khẩn trương đầu tư sửa chữa những cống ngăn mặn bị hư hỏng đảm bảo phòng, chống thiên tai. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, giữ vệ sinh nguồn nước, không xả rác và nước nhiễm bẩn vào nguồn nước nhằm hạn chế tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang còn khuyến cáo nông dân thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng nhằm hạn chế thiệt hại do hạn, mặn gây ra, nhất là đối với các khu vực cuối nguồn không thuận lợi về nguồn nước, khu vực ảnh hưởng nghiêm trọng hạn hán và xâm nhập mặn.

Đối với diện tích lúa Thu Đông 2022 trễ vụ ở các huyện vùng dự án ngọt hóa Gò Công phía Đông không thể xuống giống kịp lịch thời vụ Đông Xuân 2022 - 2023 thì khuyến cáo người dân chuyển sang canh tác cây trồng cạn ngắn ngày khác, tránh được nguy cơ hạn - mặn hoặc đề phòng thiếu nước bơm tát.

Đặc biệt, các huyện ven biển Gò Công là Gò Công Đông và Gò Công Tây, thị xã Gò Công còn chủ động triển khai các giải pháp ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô 2022 – 2023, bảo vệ trà lúa vụ Đông Xuân gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai.

Thực hiện đề án “Cắt vụ, chuyển đổi cây trồng và mùa vụ các huyện phía Đông đến năm 2025” ứng phó hạn, mặn và thích ứng biến đồi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, toàn vùng đã chuyển hàng ngàn ha đất trồng lúa địa bàn khó khăn sang trồng rau màu theo mô hình luân canh lúa + màu trong vụ Đông Xuân.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện ven biển Gò Công Đông Nguyễn Văn Quý cho biết, địa phương đã chuyển gần 310 ha đất lúa sang trồng rau màu, trồng cây ăn trái đặc sản. Ngoài ra, nông dân tại đây đã trồng được trên 5.500 ha rau màu thực phẩm trên nền đất trồng lúa khó khăn, xa nguồn nước hoặc trên đất rẫy mang lại nguồn thu nhập cao.

Trong vụ Đông Xuân 2022 – 2023, mô hình liên kết trong sản xuất – tiêu thụ theo mô hình cánh đồng lớn được các huyện vùng trọng điểm lúa chú trọng áp dụng nhằm phát triền bền vững ngành trồng lúa trong giai đoạn mới.

Riêng huyện Gò Công Tây xây dựng 11 cánh đồng lớn trên tồng diện tích trên 3.000 ha với các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Vinh Hiển, Doanh nghiệp tư nhân Phước Thành, Doanh nghiệp tư nhân Bá Tước… tham gia. Phương thức chủ yếu là đầu tư giống, vật tư nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật – thu mua lúa; đầu vụ hợp đồng tiêu thụ lúa theo giá thị trường hoặc giá cố định tùy theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và nông dân.

Chi phí sản xuất trong mô hình giảm từ 2 đến 2,6 triệu đồng/ ha, giá bán cao hơn thị trường từ 100 đ đến 200 đ/kg, nông dân lợi nhuận  tăng thêm 2,4 đến 2,6 triệu đồng/ha. Nông dân rất phấn khởi.

Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Nam Nam (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy) Lê Văn Hưng cho biết, trong vụ Đông Xuân 2022 – 2023, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Nam trồng 100 ha lúa, giống Đài Thơm 8 theo quy trình GlobalGAP, được Công ty ADC bao tiêu theo mô hình liên kết cánh đồng lớn.

Doanh nghiệp bao tiêu giá 7.700 đồng/kg, cao hơn bên ngoài 700 đồng/kg. Với năng suất bình quân 70 tạ/ha, mỗi ha đất canh tác trong vụ Đông Xuân cho tổng thu gần 54 triệu đồng, trừ chi phí nông dân còn lãi từ 30 triệu đến 35 triệu đồng.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, kinh nghiệm từ sản xuất ứng phó hạn – mặn trong mùa khô hằng năm cũng như những mô hình liên kết sản xuất theo cánh đồng lớn được địa phương nhân rộng giúp tạo nguồn nông sản hàng hóa chất lượng cao, ổn định, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và các bên; trong đó có nông dân cùng hưởng lợi.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm