Những năm vừa qua, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã mang lại hiệu quả rõ nét trên địa bàn huyện Thường Tín (Hà Nội). Nhiều nông sản, hàng hóa nơi đây được thành phố Hà Nội chứng nhận đạt OCOP 3 sao, 4 sao. Phát huy thế mạnh địa phương, Thường Tín tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm chất lượng để tham gia chương trình OCOP, góp phần nâng cao giá trị và tăng thu nhập cho người dân…
Huyện Thường Tín hiện có 11 cụm công nghiệp với cả ngàn doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, thủ công nghiệp. Huyện có 126 làng nghề, trong đó 49 làng nghề được thành phố Hà Nội công nhận làng nghề truyền thống. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao như: 15 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 14 mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp.
Để phát huy thế mạnh địa phương, huyện Thường Tín đã tập trung chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP. Hằng năm, huyện tổ chức các hội nghị, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị nhằm nêu bật vai trò của chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao... Đến nay, huyện Thường Tín phát triển được 103 sản phẩm OCOP. Nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, bên cạnh hỗ trợ chủ thể tiếp cận các chuỗi liên kết, huyện Thường Tín cũng đang xây dựng và mở rộng cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP để người dân có thể mua sắm, sử dụng các loại nông sản, thực phẩm an toàn, góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm.
Trên địa bàn huyện Thường Tín, Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà ở xã Ninh Sở là một trong những đơn vị tiêu biểu của huyện tham gia chương trình OCOP, hiện có nhiều sản phẩm rau được thành phố Hà Nội công nhận đạt OCOP 4 sao (30 sản phẩm). Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà Bùi Thị Thanh Hà chia sẻ: Hợp tác xã đã xây dựng khu sản xuất rau công nghệ cao với diện tích 1,15 ha, sản lượng cung cấp ra thị trường 300 kg rau/ngày, 100% sản phẩm đều được dán mã QR code, đem lại doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Chương trình OCOP giúp cho nông sản của hợp tác xã khẳng định được chất lượng trên thị trường, được kết nối để tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, các điểm bán hàng OCOP trong và ngoài thành phố, góp phần tăng sức tiêu thụ sản phẩm. Hằng năm, doanh thu của hợp tác xã đạt trên 3 tỷ đồng và tạo việc làm cho hàng chục lao động với mức thu nhập ổn định từ 6 - 9 triệu đồng/người/tháng…
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng, với một quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ, tiêu chí rõ ràng, các sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP sẽ là cơ sở để người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng cũng như độ an toàn thực phẩm. Điều này cũng đặt ra đòi hỏi các chủ thể sản phẩm OCOP của huyện Thường Tín nói riêng, toàn thành phố nói chung cần duy trì chất lượng ổn định và thường xuyên đổi mới bộ nhận diện.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy thông tin, huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ chủ thể OCOP xây dựng thương hiệu các loại nông sản, thực phẩm chủ lực, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mang lại lợi ích cho các chủ thể OCOP. Với những thành quả đạt được, chương trình OCOP tại huyện Thường Tín đã mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Thực hiện: Trung Xuân