Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến. Ảnh: Phương Hoa -TTXVN |
Thời gian qua, Đoàn Giám sát tổ chức 3 đoàn công tác, triển khai giám sát tại 12 tỉnh gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Lạng Sơn, Nghệ An, Sơn La, Lai Châu, Đắk Nông, Kon Tum, An Giang, Trà Vinh, Hà Giang. Qua giám sát cho thấy, các chính sách đầu tư phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét về cơ sở vật chất trên địa bàn các huyện nghèo, xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. Hệ thống đường giao thông được cải thiện đáng kể, xóa bỏ phần lớn các trường tạm, lớp tạm, tạo điều kiện huy động trẻ em trong độ tuổi đi học đến trường, góp phần hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở các xã vùng sâu, vùng xa. Các công trình thủy lợi đã góp phần tăng năng lực tưới tiêu, giúp đồng bào có đất canh tác, trồng cấy các loại cây công, nông nghiệp, cây ăn quả, tăng sản lượng lương thực hàng hóa… Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo còn thiếu tính bền vững, số hộ tái nghèo, hộ nghèo mới phát sinh ở một số nơi còn cao; tỷ lệ hộ cận nghèo có xu hướng gia tăng. Tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng, miền. Công tác chỉ đạo, điều hành chương trình giảm nghèo bền vững ở cơ sở chưa thực sự đồng bộ và quyết liệt. Về nguồn lực, việc bố trí vốn cho các chính sách tuy có tăng hơn so với giai đoạn trước nhưng chưa thể hiện rõ được tính ưu tiên… Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá về kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 – 2018 tại các địa phương; làm rõ những hạn chế, bất cập, nguyên nhân chủ quan, khách quan; từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất để công tác này đạt hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry cho rằng, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho người dân còn mang tính bình quân, cào bằng, chưa tính đến các nguyên nhân nghèo của từng đối tượng để có chính sách phù hợp. Bên cạnh đó, việc phân nhóm ưu tiên, đặc thù, trọng điểm cho vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế xã hội chưa cụ thể, chưa phù hợp với từng đối tượng có nguyên nhân nghèo khác nhau. Cơ chế phân bổ, giao vốn hằng năm hiện nay chưa tạo được sự chủ động cho địa phương để lồng ghép hiệu quả nguồn vốn và bố trí cho danh mục theo thứ tự ưu tiên. Việc giao vốn, thẩm định các nguồn vốn qua nhiều khâu trung gian nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo… Một số ý kiến chỉ rõ, công tác tuyên truyền về chính sách, pháp luật giảm nghèo tuy đã có nhiều đổi mới, nhưng nhận thức của cán bộ đến người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa thực sự chuyển biến, vẫn còn một số hộ nghèo chưa ý thức được trách nhiệm của mình trong giảm nghèo… Từ thực tế này, các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xem xét, sửa đổi các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để bảo đảm việc bố trí vốn tập trung, tránh dàn trải, đáp ứng đươc các mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Một số ý kiến đề nghị, UBND các tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho đồng bào, lựa chọn cây con phù hợp với từng vùng, từng địa phương trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp… Kết luận phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu; đề nghị các đoàn công tác tiếp tục hoàn thiện báo cáo, trong đó làm rõ tính khác biệt của từng vùng miền trong thực hiện giảm nghèo; đánh giá thêm tác động của chính sách. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến chỉ rõ: Báo cáo chung của Đoàn giám sát cần cô đọng, cụ thể, chỉ rõ những vấn đề bất cập đang nổi lên trong công tác tổ chức thực hiện, nguồn lực đầu tư; rà soát chính sách chung và chính sách giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi để tránh chồng chéo, trùng lắp.
Phan Phương