Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên – Huế, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP với những sản phẩm đặc thù riêng. Đồng thời, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, xây dựng sản phẩm OCOP trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương; trong đó, ưu tiên phát triển các sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn.
Bên cạnh đó, địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về chương trình OCOP; kết nối các công ty tư vấn giúp các chủ thể kinh tế hoàn thiện sản phẩm; tập trung quảng bá, tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức nhằm thúc đẩy sản xuất gắn với liên kết, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình OCOP của tỉnh
Sau hơn 2 năm triển khai, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Thừa Thiên – Huế đã góp phần nâng cao giá trị cho các sản phẩm chủ lực của ở địa phương, phát triển kinh tế khu vực nông thôn và đóng góp quan trọng vào xây dựng nông thôn mới.
Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, Hợp tác xã mây tre đan Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền đã cải tiến, sáng tạo và sản xuất hơn 500 mẫu mã, sản phẩm khác nhau, bao gồm cả sản phẩm truyền thống như: rổ rá, dần, sàng và các sản phẩm cao cấp hiện đại như: các loại đèn trang trí, khay, mâm ngũ quả….
Năm 2020, bộ sản phẩm đèn trang trí, rổ, rá của hợp tác xã mây tre đan Bao La, được tỉnh Thừa Thiên – Huế công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.
Nhờ vậy, khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong công tác kết nối, tiêu thụ sản phẩm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID -19, thì sản phẩm làng nghề mây tre đan Bao La, xã Quảng Phú vẫn có mức tiêu thụ ổn định và xuất khẩu sang thị trường quốc tế, tập trung ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Doanh thu năm 2020 của hợp tác xã đạt 5,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 130 lao động.
Ông Võ Văn Dinh, Giám đốc Hợp tác xã mây tre đan Bao La cho biết, Chương trình OCOP mang lại nhiều lợi thế cho hợp tác xã, hiệu quả kinh doanh ngày càng cao, nhất là xuất khẩu ra nước ngoài. Hợp tác xã cũng rất vinh dự khi được Chính phủ lựa chọn làm điểm phát triển thành sản phẩm 5 sao.
Thời gian tới, hợp tác xã không ngừng cải tiến mẫu mã sản phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường; tích cực tham gia các lớp tập huấn nhằm hoàn thiện các tiêu chí để phấn đấu sớm được Trung ương công nhận các sản phẩm của làng nghề là sản phẩm 5 sao.
Sản phẩm "Mật ong ruồi Nam Đông" vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Với quy mô hơn 100 đàn ong, mỗi năm cơ sở kinh doanh cung cấp ra thị trường khoảng 2.700 lít mật ong.
Ông Nguyễn Văn Tý, đại diện cơ sở sản xuất Mật ong ruồi Nam Đông đánh giá, đây là chương trình mới, bước đầu triển khai, các cấp các ngành cũng như chủ thể sản xuất chưa có nhiều kinh nghiệm nên gặp nhiều khó khăn.
Đến nay, sản phẩm mật ong ruồi Nam Đông đã được công nhận sản phẩm 3 sao cấp tỉnh. Từ đó, thương hiệu của chúng tôi dễ tiếp cận với thị trường tiêu thụ, khách hàng ngày càng tin dùng và sản phẩm đạt chuẩn về quy định an toàn thực phẩm.
Thừa Thiên – Huế là địa phương có hệ thống nghề và làng nghề phong phú, nhiều điểm du lịch, nhiều sản phẩm nông nghiệp, thủ công có tiềm năng để phát triển Chương trình OCOP. Khi địa phương triển khai chương trình, đã có 34 chủ thể đăng ký tham gia chương trình với 36 sản phẩm, hầu hết là các sản phẩm đã có, được hỗ trợ các dự án chuẩn hóa và hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí sản phẩm OCOP.
Theo ông Phạm Văn Tần, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế, để triển khai hiệu quả chương trình OCOP, tỉnh đã rà soát, thống kê danh mục với hơn 100 sản phẩm có tiềm năng, là những sản phẩm chủ lực của các địa phương cấp xã mang đặc trưng khác biệt, có tính truyền thống và có khả năng phát triển thành hàng hóa và sẽ được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức 25 lớp tập huấn để tuyên truyền, nâng cao năng lực cho hơn 1.000 học viên là cán bộ địa phương và chủ thể kinh tế trực tiếp tham gia chương trình; hỗ trợ xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP và tổ chức hơn 10 đoàn tham gia các hội chợ, triển lãm có quy mô lớn trong và ngoài tỉnh tổ chức nhằm đẩy mạnh thị trường tiêu thụ. Giai đoạn 2018-2020, tỉnh huy động hơn 32,3 tỷ đồng thực hiện Chương trình OCOP.
Sau hơn hai năm triển khai, chương trình OCOP đã tạo sức lan tỏa, thu hút sự tham gia và phát huy vai trò của các chủ thể kinh tế trong việc nâng cấp hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu thị trường và tái cơ cấu tổ chức kinh tế theo hướng liên kết. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế có 25 sản phẩm được trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 6 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 19 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Hiện, còn 8 sản phẩm cơ bản hoàn thiện hồ sơ tiếp tục đánh giá phân hạng.
Thừa Thiên - Huế là 1/12 tỉnh chỉ đạo điểm của Trung ương về Chương trình OCOP. Theo đó, có 4 sản phẩm được Trung ương lựa chọn phát triển thành sản phẩm 5 sao, gồm: sản phẩm nước mắm và mắm làng nghề Tân Thành, nước mắm và mắm làng nghề Phú Thuận, sản phẩm mây tre đan Bao La và dịch vụ quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với vùng du lịch tại thành phố Huế.
Cuối năm 2020, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế đã thông qua Nghị quyết về chính sách "Khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2021 - 2025"; trong đó, có nội dung "Hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP"; mở ra cơ hội lớn để phát triển chương trình OCOP của tỉnh với nhiều chính sách hỗ trợ hiệu quả.
Chương trình OCOP đang từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng cơ hội tiêu thụ cho các nông sản đặc sản, góp phần tạo sức bật cho nông thôn và nông dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thừa Thiên - Huế đề ra mục tiêu phấn đấu ít nhất 100 sản phẩm được hoàn thiện, nâng cấp, tiêu chuẩn hóa theo tiêu chí sản phẩm OCOP (20 sản phẩm/năm); phát triển từ 2 - 4 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia chương trình OCOP.
Đồng thời, phấn đấu ít nhất 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao, phát triển theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ, quy mô lớn và ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản trị chất lượng, tham gia thị trường xuất khẩu.
Tường Vi