Thừa Thiên - Huế: Khuyến cáo các biện pháp phòng và điều trị bệnh đau mắt đỏ

Thừa Thiên - Huế: Khuyến cáo các biện pháp phòng và điều trị bệnh đau mắt đỏ

Từ đầu tháng 7 đến nay, Bệnh viện Mắt Huế (Thừa Thiên - Huế) ghi nhận 517 ca bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp). Sở Y tế tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt trong các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Thừa Thiên - Huế: Khuyến cáo các biện pháp phòng và điều trị bệnh đau mắt đỏ ảnh 1Khám đau mắt đỏ cho trẻ em tại Bệnh viện Mắt Huế (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Mai Trang - TTXVN

Những ngày qua, Khoa Khám bệnh và Trung tâm Mắt, Bệnh viện Trung ương Huế liên tục ghi nhận số người bệnh đến thăm khám có dấu hiệu đau mắt đỏ tăng đột biến. Cao điểm, trung bình mỗi ngày có 60 - 80 bệnh nhân đến khám; trong đó, nhiều học sinh cấp Tiểu học và Mầm non hoặc cả gia đình cùng mắc bệnh. Trong hai ngày 13 - 14/9, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận hơn 50 người bệnh bị chẩn đoán đau mắt đỏ.

Hiện đang là thời điểm giao mùa, dễ xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh đau mắt đỏ. Ngoài ra, mùa tựu trường là điều kiện thuận lợi để bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng, nhất là trong môi trường học đường.

Phụ huynh cháu Nguyễn Thiện (lớp 2, Trường Tiểu học Trường An, thành phố Huế) cho hay, sau khi phát hiện mắt con có dấu hiệu đỏ và xuất hiện nhiều ghèn, chị cho con nghỉ học và đến thăm khám tại Trung tâm Mắt. Cùng ngày, lớp học của cháu thông báo có 6 bạn nghỉ học với cùng lý do.

Chị Nguyễn Thị Mận (thành phố Huế) chia sẻ, dù ở nhà thường xuyên vệ sinh lau mắt và nhỏ nước muối nhưng chị vẫn không thể tránh được bệnh đau mắt đỏ cho con gái. Sau một ngày tự điều trị tại nhà, tình trạng bệnh của con không có dấu hiệu tiến triển, con liên tục dụi mắt và lây bệnh sang mắt còn lại. Không riêng con chị, lớp cũng phát hiện nhiều bạn nhỏ bị đỏ mắt tương tự.

Nguyên nhân chủ yếu người bệnh bị viêm kết mạc thời gian gần đây là do Adeno virus. Ngoài dấu hiệu đỏ mắt, các bệnh nhi có dấu hiệu chảy nước mắt, đổ ghèn kèm sốt nhẹ. Đặc biệt, nhiều trường hợp nặng, xuất hiện màng màu trắng đục (giả mạc) ở kết mạc bám vào mặt sau của mi mắt, có thể để lại di chứng khá lâu dài trên tròng đen giác mạc, gây viêm giác mạc chấm nông, ảnh hưởng thị lực của người bệnh.

Bác sỹ chuyên khoa II Phạm Như Vĩnh Tuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Mắt, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, các trường hợp bệnh nặng trên cần phải được khám và theo dõi sát để tránh giảm thị lực về sau. Đối với các ca xuất hiện giả mạc, bác sỹ có thể dễ dàng phát hiện và tiến hành bóc lớp màng ấy đi để điều trị cho bệnh nhân.

Ngoài ra, một số ca bệnh dù đã hết đỏ mắt nhưng để lại di chứng trên giác mạc (viêm giác mạc chấm nông) khiến người bệnh bị lóa mắt, khó chịu khi nhìn dưới nắng, ánh đèn sẽ được chỉ định uống thuốc, nghỉ ngơi mắt. Như vậy, sẽ tránh được những thương tổn vĩnh viễn về sau cho bệnh nhân.

Trước tình trạng phức tạp của bệnh, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố Huế giám sát chặt chẽ tình hình bệnh viêm kết mạc cấp, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp mới mắc và điều trị đúng tránh lây lan cho người nhà và những người xung quanh. Đồng thời, ngành Y tế phối hợp ngành Giáo dục và Đào tạo các cấp tăng cường tuyên truyền phòng, chống bệnh đau mắt đỏ trong trường học, đặc biệt tại khối nhà trẻ, trường mẫu giáo.

Các cơ sở giáo dục phải có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng ở vị trí thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ thực hiện rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh. Các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất cho công tác điều trị và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế.

Mai Trang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm