Học sinh đau mắt đỏ cần được điều trị dứt điểm, tránh lây chéo trong trường học

Bác sĩ Chuyên khoa II Ngô Văn Cường, Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thăm, khám cho bệnh nhi bị đau mắt đỏ. Ảnh: Nguyên Dung – TTXVN
Bác sĩ Chuyên khoa II Ngô Văn Cường, Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thăm, khám cho bệnh nhi bị đau mắt đỏ. Ảnh: Nguyên Dung – TTXVN

Từ đầu tháng 9/2023 đến nay, bệnh đau mắt đỏ (hay còn gọi bệnh viêm kết mạc) lây lan nhanh tại nhiều địa phương của tỉnh Đắk Lắk. Số người bệnh đến khám và điều trị đau mắt đỏ tại các cơ sở y tế, phòng khám tư nhân tăng đột biến, trong đó chủ yếu là học sinh.

Học sinh đau mắt đỏ cần được điều trị dứt điểm, tránh lây chéo trong trường học ảnh 1Bác sĩ Chuyên khoa II Ngô Văn Cường, Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thăm, khám cho bệnh nhi bị đau mắt đỏ. Ảnh: Nguyên Dung – TTXVN

Tại Bệnh viện Mắt Đắk Lắk (thành phố Buôn Ma Thuột), khoảng một tuần nay, lượng bệnh nhân đau mắt đỏ tăng đột biến, cao điểm có ngày bệnh viện tiếp nhận đến 300 trường hợp mắc bệnh. Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Dương Thuỳ Linh, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Đắk Lắk, thông thường dịch đau mắt đỏ diễn ra từ tháng 7, 8 hằng năm. Năm nay, ghi nhận tình trạng bệnh kéo dài, lây lan nhanh. Các ca bệnh gia tăng đột biến sau khi học sinh tựu trường. Một số trường hợp bệnh nặng, ngoài những tổn thương tại kết mạc, có giả mạc gây xuất huyết làm người bệnh khó chịu, giảm thị lực.

Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (thành phố Buôn Ma Thuột) có hơn 800 học sinh đang theo học. Ngay sau ngày khai giảng, nhà trường ghi nhận 156 học sinh nghỉ học vì bệnh đau mắt đỏ. Cô Lương Thị Bích Nguyên, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, có những lớp khoảng một nửa số học sinh nghỉ học vì đau mắt đỏ, chủ yếu là học sinh khối lớp 3, 4, 5. Nhằm khống chế không để dịch bệnh lây lan, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo bộ phận y tế chuẩn bị nước muối sinh lý để nhỏ cấp thiết cho các em; tăng cường vệ sinh trường lớp sau mỗi buổi học; khuyến cáo phụ huynh, học sinh khi mắc bệnh đau mắt đỏ cần điều trị dứt điểm, tránh tình trạng lây chéo trong trường học.

Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận số bệnh nhân bị đau mắt đỏ tăng từ 3 - 4 lần so với tháng trước. Bác sĩ Chuyên khoa II Ngô Văn Cường, Trưởng Khoa Mắt cho biết, đau mắt đỏ là tình trạng viêm kết mạc mắt, thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra, nhưng phổ biến nhất là do một loại vi rút có tên Adenovirus. Bệnh thường lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, các dịch tiết từ mắt, mũi của bệnh nhân hoặc qua đồ dùng cá nhân...

Học sinh đau mắt đỏ cần được điều trị dứt điểm, tránh lây chéo trong trường học ảnh 2Người bệnh đến khám và điều trị đau mắt đỏ tại các cơ sở y tế, phòng khám tư nhân tại Đắk Lắk. Ảnh: Nguyên Dung – TTXVN

Đau mắt đỏ là bệnh thông thường, không nguy hiểm tính mạng nên nhiều người chủ quan. Khi mắc bệnh, nhiều bệnh nhân tự điều trị bằng các phương pháp dân gian hoặc tự ý mua các loại thuốc nhỏ mắt để chữa trị. Việc tự ý điều trị rất nguy hiểm cho mắt, nếu dùng thuốc không đúng chỉ định sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

“Tốc độ lây lan bệnh khá nhanh, đặc biệt là đối tượng học sinh, do đó việc cung ứng thuốc không kịp. Vấn đề thiếu thuốc có xảy ra, nhất là thuốc đặc trị nhỏ mắt, trên thị trường cũng đang khan hiếm, hiện chúng tôi đã xử lý ổn. Đối với các trường hợp đã mắc bệnh, nếu người bệnh điều trị đúng ngay từ đầu sẽ hạn chế các biến chứng, tránh ảnh hưởng các thị lực về sau”, bác sĩ Ngô Văn Cường thông tin.

Các bác sĩ khuyến cáo, đối với các trường hợp đã mắc bệnh, người dân cần hạn chế đi đến những nơi đông người, thường xuyên đeo khẩu trang, kính, vệ sinh tay… để tránh dịch tiết qua đường hô hấp gây lây bệnh cho người khác. Ngay khi phát hiện bệnh, người dân nên đến các cơ sở y tế nhãn khoa để được khám, điều trị.

Trước đó, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng có công văn yêu cầu Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động các biện pháp tăng cường trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Các đơn vị tiếp tục chủ động theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra; tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng; thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh...

Nguyên Dung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm