Thừa cân và ít vận động - hai yếu tố có nguy cơ gây bệnh

Thừa cân và ít vận động - hai yếu tố có nguy cơ gây bệnh

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, trong đề tài nghiên cứu có tựa đề “Nếu người Australia giảm chỉ số cân nặng và thể hình, hoặc gia tăng các hoạt động thể lực trong vòng 12 năm, từ năm 2018-2030, kết quả sẽ như thế nào?”, Viện Y tế và Phúc lợi Australia (AIHW) đã nêu bật hai yếu tố có nguy cơ gây bệnh là thừa cân và ít vận động.

Giáo sư Kathryn Backholer - đồng Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng và Sức khỏe Dự phòng Toàn cầu tại trường Đại học Deakin – cho biết thừa cân, béo phì và lười vận động gây tổn hại cho sức khỏe nhiều hơn so với thuốc lá. Vì vậy, việc giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì và tăng tỷ lệ hoạt động thể chất sẽ có tác động tích cực lớn đến sức khỏe của người dân Australia vào năm 2030.

Nghiên cứu chỉ ra rằng những người có nguy cơ béo phì cần giảm chỉ số cơ thể (BMI) xuống một đơn vị, tương đương khoảng 3 kg đối với người Australia có chiều cao trung bình. Đồng thời, mỗi tuần cần tăng thêm một giờ hoạt động cường độ vừa phải, chẳng hạn như đi bộ nhanh. Phân tích này phù hợp với các mục tiêu của Chiến lược Y tế Dự phòng Quốc gia và Chiến lược Phòng chống Béo phì Quốc gia năm 2022.

Chiến lược Quốc gia về Béo phì là một khuôn khổ hành động 10 năm nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu và điều trị các vấn đề liên quan đến cân nặng và béo phì ở Australia. Chiến lược tập trung vào việc phòng ngừa, nhưng cũng bao gồm các hoạt động nhằm hỗ trợ tốt hơn để người Australia có một cuộc sống lành mạnh nhất. Theo chiến lược này, Australia là một trong những nước có tỷ lệ béo phì cao nhất thế giới. Trong khoảng thời gian từ năm 2017-2019, Australia đứng thứ 5 trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) với 31% người trưởng thành mắc bệnh béo phì.

Các chuyên gia y tế chỉ ra rằng Chính phủ Australia chưa thực sự nỗ lực để khuyến khích người dân hướng tới những lựa chọn lành mạnh hữu ích cho sức khỏe của họ. Jane Martin - Giám đốc điều hành của Liên minh Thực phẩm vì sức khỏe - cho biết kể từ khi chiến lược được công bố, rất ít việc đã được thực hiện. Theo bà, cần phải đầu tư vào các biện pháp chính sách. Việc quảng bá trái cây và rau quả tươi là thực sự quan trọng. Tuy nhiên, hiện giờ, những thứ đang được quảng bá rộng rãi trong công chúng là thực phẩm chế biến, giàu năng lượng, nghèo chất dinh dưỡng… Nói cách khác, đó là loại thực phẩm chế biến không lành mạnh nhất. Vì vậy, điều thực sự cần làm là giúp người dân dễ dàng tiếp cận với thực phẩm lành mạnh, giá cả phải chăng và cần xem xét giảm giá trái cây cũng như rau quả tươi. Hiện tại, chỉ có 5% người Australia ăn đủ lượng trái cây và rau củ được khuyến nghị mỗi ngày.

Tháng 1/2023, Hiệp hội Y khoa Australia (AMA) đã kêu gọi đánh thuế đối với các đồ uống có đường không mang lại lợi ích dinh dưỡng. Đồng thời, hiệp hội cũng khuyến khích các nhà sản xuất cải tiến sản phẩm của họ. Tiến sĩ Danielle McMullen - Phó Chủ tịch AMA – cho rằng những thay đổi là rất cần thiết vì người Australia uống quá nhiều đồ uống có đường. Số đồ uống có đường mà người Australia uống mỗi năm đủ để chứa đầy 960 hồ bơi Olympic. Do đó, cần thay đổi điều này và khuyến khích mọi người chọn uống nước tinh khiết thay vì nước ngọt vì điều đó có lợi cho sức khỏe của họ, đặc biệt trẻ em.

Tiến sĩ McMullen nhận định rằng Australia thực sự đang tụt hậu so với phần còn lại của thế giới. Có 85 chính phủ khác trên khắp thế giới đã đánh thuế đối với đồ uống có đường và hiện là lúc Australia cũng nên làm như vậy. Đã đến lúc chính phủ phải coi trọng sức khỏe của người dân và đưa ra một số thay đổi có thể làm giảm những căn bệnh như tiểu đường, tim mạch, răng miệng và thừa cân béo phì.

Thanh Tú

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm