Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 19 Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19

Quang cảnh Phiên họp lần thứ 19 BCĐ quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Quang cảnh Phiên họp lần thứ 19 BCĐ quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Chiều 23/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì Phiên họp thứ 19 của Ban Chỉ đạo trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 19 Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 1Quang cảnh Phiên họp lần thứ 19 BCĐ quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Dự họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các thành viên Ban Chỉ đạo: Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Các điểm cầu có thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các địa phương là Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 19 Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Phiên họp này nhằm đánh giá lại công việc của Ban Chỉ đạo từ phiên họp thứ 18 đến nay; đồng thời rà soát những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong phòng, chống dịch, nhất là trong công tác tiêm chủng; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 và các loại dịch bệnh khác trong thời gian tới, không để dịch chồng dịch; rà soát việc khắc phục hạn chế yếu kém liên quan đến cung ứng thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, nhân lực y tế; công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... bảo vệ sức khỏe của nhân dân, với mục tiêu mọi người dân đều được đón Tết an lành, mạnh khỏe, vui tươi, phấn khởi, không ai bị bỏ lại phía sau.

Theo Ban Chỉ đạo, tính đến ngày 19/12, thế giới đã ghi nhận trên 657 triệu ca mắc và hơn 6,6 triệu ca tử vong do COVID-19. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, số ca tử vong do COVID-19 hằng tuần hiện chỉ bằng khoảng 1/5 so với một năm trước, nhưng vẫn còn ở mức cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 19 Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 3Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Tại Việt Nam, kể từ đầu dịch đến ngày 19/12, cả nước đã ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc, hơn 10,6 triệu người khỏi bệnh và hơn 43.100 ca tử vong. Trong 30 ngày gần đây, cả nước ghi nhận 12.008 ca mắc mới, giảm 23,5% so với 30 ngày trước đó, trong đó có 11 ca tử vong, tăng 2 ca.

Về tiến độ tiêm chủng, tính đến hết ngày 18/12, Việt Nam đã triển khai tiêm được hơn 265 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Trong đó, tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%; tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 80,0% và 86,8%; tỷ lệ tiêm mũi 3 người từ 12 đến dưới 18 tuổi là 68,5%; tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 92,3% và 72,0%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 19 Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 4Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Về công tác đảm bảo an sinh xã hội, đến nay, Trung ương và các địa phương đã chi 87 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho 55,68 triệu lượt người dân và gần 1 triệu lượt người sử dụng sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Riêng thực hiện Quyết định số 08/2022/QD-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đến 30/11, các địa phương đã hoàn thành việc tiếp nhận, giải quyết và chi trả hỗ trợ trên 5,2 triệu lượt người lao động, 122.991 lượt người sử dụng lao động với kinh phí 3.740,8 tỷ đồng.

Ban Chỉ đạo dự báo, tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp thời gian tới, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch bệnh do biến thể mới. Giai đoạn giao mùa tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.

Thời gian tới là dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm...

Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) tiếp tục cập nhật thông tin về phiên họp.

Phạm Tiếp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm