Dự buổi làm việc có lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Chính phủ; Bộ Chỉ huy Quân khu 4 và đại diện lãnh đạo 5 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế. Đáng chú ý tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành chức năng đã công bố nhiều thông tin, khẳng định độ an toàn cho các hoạt động du lịch, dịch vụ và sinh hoạt, hành nghề của ngư dân và khách du lịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc Ảnh: Thống Nhất-TTXVN |
Chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc hải sản ven biển chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế là sự cố môi trường có tính chất phức tạp, lần đầu xảy ra ở nước ta. Do kinh nghiệm xử lý hạn chế nên công tác phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương còn lung túng. Việc xác định nguyên nhân sự cố trên cơ sở căn cứ khoa học còn chậm; công tác khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân chưa đáp ứng yêu cầu, dẫ đến việc một số phần tử xấu lợi dụng, kích động người dân, gây mất ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu vực.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, và các bộ, ngành liên quan tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân thảm họa này. “Tinh thần của Chính phủ là dù bất cứ cơ quan tổ chức, cá nhân nào vi phạm pháp luật thì đều bị điều tra, làm rõ trên cơ sở căn cứ khoa học, Chính phủ quyết tâm xử lý kiên quyết hành vi vi phạm, tuyệt đối không có sự bao che dung túng”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Thủ tướng cũng cho phép nếu cần sự hỗ trợ của chuyên gia, tư vấn nước ngoài do điều kiện nghiên cứu trong nước còn chưa đáp ứng thì cũng phải làm ngay. Do đây là sự cố thảm họa môi trường nên việc nghiên cứu, kết luận cần thận trọng và cần có thời gian cần thiết.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc tiếp tục xử lý trách nhiệm các cơ quan có liên quan đến vụ việc với hình thức phù hợp, đúng quy định của pháp luật nhưng cần thận trọng, có cơ sở khoa học cụ thể mới được kết luận.
Kết luận hội nghị quan trọng này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là sự cố nghiêm trọng về môi trường 4 tỉnh miền Trung, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân ven biển. Đến nay tuy còn một số mặt bất cập, cần tiếp tục xử lý nhưng nhờ sự vào cuộc tích cực, chỉ đạo toàn diện, liên tục nên cơ bản, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Thủ tướng cũng lưu ý một số địa phương cần rút kinh nghiệm do chậm có biện pháp xử lý vụ việc; cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành địa phương chưa tốt, công tác thông tin, tuyên truyền chưa thận trọng nên đã bị các đối tượng xấu lợi dụng, kích động người dân.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan nhận thức rõ trách nhiệm qua vụ việc này, nhất là trong công tác quản lý Nhà nước về môi trường; chưa kịp thời thường xuyên trong việc quan trắc chất thải các nhà máy, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ chủ trì cùng các bộ, ngành chức năng phối hợp với nhà khoa học nước ngoài sớm có kết luận về nguyên nhân vụ việc trong thời giam sớm nhất. Thủ tướng giao Bộ Công an tiếp tục chủ trì điều tra đặc biệt vụ án vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường tại khu vực ven biển miền trung để điều tra, làm rõ, xử lý theo đúng quy định của pháp luật trên cơ sở kết luận khoa học.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Chủ tịch UBND các địa phương tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất ven biển trên địa bàn cả nước; nghiêm cấm hành vi xả thải ra biển vi phạm quy định của Luật Bảo vệ Môi trường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc với các địa phương bị ảnh hưởng do hải sản chết bất thường. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN |
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường có báo cáo kiểm điểm, làm rõ việc cho phép lắp đặt hệ thống xả thải của Formosa, không kết luận vội vàng và làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời đề xuất cụ thể phương hướng xử lý tiếp theo.
Hoan nghênh hình ảnh các bộ trưởng, lãnh đạo các địa phương trực tiếp ăn cá, tắm biển, công bố các chỉ số môi trường trong những ngày qua, Thủ tướng cho rằng, những hành động này đã củng cố niềm tin, động viên người dân, khách du lịch yên tâm sử dụng các sản phẩm thủy hải sản và dịch vụ du lịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cơ bản tán thành với các đề xuất hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, Thủ tướng đồng ý hỗ trợ 15kg gạo/1 nhân khẩu trong vòng 1,5 tháng với tổng khoảng 4500 tấn gạo từ ngân sách Nhà nước đối với các lao động dừng hoạt động khai thác thủy hải sản ven bờ và cả người ăn theo; hỗ trợ 60 tỷ đồng cho các tàu ven bờ bị dừng hoạt động do sự cố này. Chính phủ cũng chỉ đạo hỗ trợ 100% lãi xuất cho các hộ ngư dân; an toàn xã hội, giữ gìn sự bình yên cuộc sống cho nhân dân.