Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc.
Ảnh: Thống Nhất-TTXVN
|
Cùng với thế mạnh truyền thống vựa lúa của đồng bằng sông Cửu Long, An Giang còn đang tập trung phát triển thêm một lĩnh vực mũi nhọn là kinh tế du lịch. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, sản lượng đạt hơn 4 triệu tấn, diện tích sản xuất áp dụng khoa học kỹ thuật chiếm khoảng 90% diện tích, mô hình “cánh đồng lớn” đạt 35.400 ha. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 160 triệu đồng/ha. Trong năm, An Giang đón khoảng 6,4 triệu lượt khách (tăng 2,4%), doanh thu du lịch ước đạt 2.000 tỷ đồng (tăng 31,5% so với cùng kỳ).
Góp ý với An Giang tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng, tỉnh cần phát huy thế mạnh đường thủy nội địa, có quy hoạch tổng thể để kết nối với các tỉnh trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long để giảm tải đường bộ. Tỉnh cũng cần tập trung xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thuộc hai lĩnh vực này, góp phần thúc đẩy xuất khẩu ra nước ngoài. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục tập trung cơ cấu lại 2 mũi nhọn kinh tế, theo đó, với nông nghiệp, tỉnh có 2 sản phẩm chính là lúa và cá. Tái cơ cấu thì lúa giảm diện tích mà tăng giá trị, cá thì giữ nguyên diện tích và tăng giá trị. “Phải làm nông nghiệp công nghệ cao, kể cả từ quy mô hộ”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói và cho rằng phải liên kết chặt chẽ nông nghiệp với du lịch.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá cao lợi thế của An Giang về tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ và du lịch. Song, Thủ tướng cũng lưu ý, môi trường đầu tư của tỉnh chưa hấp dẫn, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có chiều hướng giảm. Du lịch của tỉnh là thế mạnh, khách du lịch đông, thế nhưng số ngày lưu trú lại thấp. Trong khi đó thì việc quảng bá thu hút khách chưa phù hợp. Đối với việc xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ xã đạt chuẩn còn thấp. Dù nhiều thế mạnh có thể phát triển kinh tế-xã hội nhưng đến nay An Giang vẫn là tỉnh nhận trợ cấp ngân sách.
Thủ tướng nhận định, An Giang cần một tư duy đột phá trong phát triển, cần có khát vọng mạnh mẽ để xử lý ngay những tồn tại yếu kém và làm giàu nhanh.
Gợi ý những giải pháp cụ thể, Thủ tướng đề nghị An Giang trước mắt phải bắt tay ngay vào chuẩn bị triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2017. Về lâu dài, tỉnh phải chú ý phát triển đường thủy nội địa theo hướng tận dụng luồng sông Hậu, quy hoạch và xã hội hóa thu hút đầu tư; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cho phép đầu tư, kể cả phương tiện, bến bãi.
Thủ tướng cũng chỉ đạo tỉnh phải có biện pháp nâng hạng chỉ số về môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Những chỉ số cải cách ở địa phương như đất đai, tín dụng, điện năng… phải được cải thiện tốt hơn. Trong khi vấn đề hạn điền chưa thể giải quyết ngay thì vấn đề phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã là rất quan trọng, trong đó, cần chú trọng tạo điều kiện khởi nghiệp thuận lợi cho thanh niên nông thôn.
Tán thành với đánh giá của các bộ ngành đề nghị An Giang chuyển dịch mạnh mẽ và tái cơ cấu kinh tế, Thủ tướng lưu ý địa phương không chỉ tập trung vào lúa mà chuyển đổi sang các cây trồng có lợi hơn. Trong đó phải chú trọng xây dựng những “cánh đồng lớn”, phát triển các mô hình lúa – cá có giá trị cao hơn. Tỉnh cũng cần phát triển mạnh mẽ dịch vụ du lịch ở địa phương, trong đó phải có biện pháp thu hút khách lưu trú lâu hơn gắn với việc quảng bá du lịch, sản phẩm du lịch. Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh giữ gìn an ninh biên giới và phát triển kinh tế cửa khẩu, phòng, chống buôn lậu./.