Nuôi lợn bằng thuốc bắc thu lãi hàng trăm triệu mỗi tháng. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN |
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi, số lợn bị buộc phải tiêu hủy giảm rất nhanh. Cụ thể, tháng 11 dự kiến tiêu hủy 200.000 con nhưng chỉ buộc tiêu hủy 152.000 con. Tháng 12 dự kiến tiêu hủy 50.000 con nhưng sẽ chỉ phải tiêu hủy khoảng 40.000 con. Hiện đã có 24 tỉnh, thành và 85% số xã hết dịch qua 30 ngày. Đây đang là điều kiện tốt để tái đàn. “Giải pháp căn cơ là tập trung giữ được an toàn sinh học, không để xảy ra dịch bệnh để tiến hành tái đàn. Nhiều tỉnh như Đồng Nai, Bình Định, Hưng Yên, Hải Dương, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang đã có văn bản hướng dẫn giữ an toàn sinh học để tái đàn. Cuối tháng 12 và sang tháng 1/2020 sẽ có sản phẩm tái đàn. Cùng với đó, hiện cả nước còn 109.000 con lợn ông bà cụ kị, đủ năng lực cấp giống, tái đàn”, Thứ trưởng Tiến chia sẻ. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong năm 2019, khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, gia súc khác. Vì vậy, năm nay, sản lượng gia cầm tăng 193.600 tấn, cộng với lượng thịt bò, dê, cừu, trứng, thủy sản cũng tăng đáng kể sẽ bù đắp được việc thiếu hụt thịt lợn. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết, hôm nay (25/12) theo báo cáo từ Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay cũng đã nhập vào 110.000 tấn thịt lợn. "Như vậy, sắp tới một mặt bù đắp khi tái đàn, từ những sản phẩm động vật khác, chúng ta sẽ nhập thịt như tinh thần Thủ tướng chỉ đạo, để Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có thể ở mức vừa phải, đảm bảo lợi ích của người chăn nuôi và người tiêu dùng. Thứ nữa, chúng ta cũng có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, đẩy mạnh tái đàn một cách chắc chắn", Thứ trưởng nhấn mạnh. Theo chia sẻ của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong cơ cấu thịt, dự kiến giảm thịt lợn xuống nhưng đến nay tỷ trọng thịt lợn trong rổ thực phẩm vẫn chiếm khoảng 70%. Sắp tới đây sẽ phải đẩy mạnh các loại chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, bò sữa và các loại khác như trong Luật Chăn nuôi đã có. “Việc đa dạng hóa này khơi được tất cả tiềm năng của ngành chăn nuôi và về khoa học dinh dưỡng sẽ cân đối hơn. Thí dụ gia cầm chiếm khoảng 20 – 25%; thịt bò, thịt trâu từ 10-12%; thịt lợn chiếm 60 – 62%, còn lại là các loại thịt khác như dê cừu…”, Thứ trưởng nói.
Hoàng Tùng