Ông Lưu Văn Nhanh, ấp Phú An B, xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Ảnh:vov.vn. |
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã và đang trở thành hướng phát triển giúp nhiều người dân vươn lên làm giàu. Ông Lưu Văn Nhanh ở ấp Phú An B, xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang đã ứng dụng cách này trong việc ươm giống cây rau màu thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Ông Lưu Văn Nhanh cho biết, gia đình ông đã hơn 20 năm bó với nghề ươm giống rau màu.
Trước đây, gia đình có 2.000 m2 đất vườn tạp nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, không ươm rau màu thì không biết lấy gì chi phí sinh hoạt hàng ngày. Từ đó, ông đã gắn bó với nghề ươm cây giống rau màu. Ban đầu ông ươm theo kiểu truyền thống, quy mô nhỏ, tỷ lệ cây chết cao nên thu nhập không ổn định.
Với suy nghĩ, phải có kỹ thuật để tránh rủi ro và có thu nhập ổn định hơn, năm 2005, ông quyết định vay vốn ngân hàng chính sách. Ông Nhanh đầu tư 4.000 m2 nhà phủ bạt để ươm cây giống rau màu. Sau năm đầu tiên áp dụng rất hiệu quả, cây giống phát triển tốt, không nhiễm sâu bệnh, tránh được mưa, gió…cây giống của ông Nhanh được khách hàng đánh giá cao. Mỗi ngày, cơ sở của ông Nhanh cung cấp ra thị trường khoảng 50.000 cây giống rau màu các loại. Sau khi trừ tất cả chi phí, ông thu lãi khoảng 2 triệu đồng/ngày, nhờ đó đời sống gia đình từng bước được ổn định.
“Trước kia gia đình có 2 miếng đất diện tích vào khoảng 2 công, sau khi chuyển qua ương cây giống theo kiểu truyền thống, thu nhập của gia đình đã đủ sống”, ông Nhanh cho biết.
Khu ươm giống cây màu của ông Lưu Văn Nhanh. Ảnh : vov.vn |
Mấy năm gần đây, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang cây rau màu phát triển mạnh, nên nhu cầu về cây giống càng nhiều. Do đó, lãnh đạo địa phương rất quan tâm mô hình ươm rau màu của ông Nhanh.
Năm 2014, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ hơn 300 triệu đồng để ông hoàn thiện hệ thống nhà màng che phủ, dàn kệ để khay xốp, máy đóng bầu đất, máy gieo hạt chân không, quạt thông gió, hệ thống tưới phun sương tự động…. Đây cũng là điều kiện để ông mở rộng sản xuất đáp ứng thị trường.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND xã Phú Vĩnh cho biết, mô hình nhà màng che phủ đang phát huy hiệu quả tích cực. “Mô hình ươm cây giống của ông Lưu Văn Nhanh mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, đồng thời giải quyết số được 50 – 70 số lao động dư thừa ở địa phương. Sản phẩm từ vườn ươm cây giống của ông Nhanh có chất lượng, có uy tín cung cấp ra thị trường trong và ngoài xã cũng như các tỉnh lân cận như Kiên Giang, Đồng Tháp…và cả nước ngoài như Campuchia và Lào”, ông Tùng cho hay.
Được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, cùng với số tiền được hỗ trợ, ông Nhanh đã vay thêm từ ngân hàng Nông nghiệp, mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích gieo trồng lên đến hơn 12.000 m2 ươm các loại cây giống rau màu áp dụng công nghệ cao trong nhà lưới.
Từ mô hình này đã giúp tăng công suất gieo ươm cây giống, giảm công lao động, giảm hao hụt cây con từ tại khâu gieo ươm; góp phần hạ giá thành sản xuất, chất lượng cây giống vẫn đảm bảo nên được khách hàng rất tin tưởng.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày cơ sở của ông Lưu Văn Nhanh cung cấp ra thị trường khoảng 100.000 cây giống, rau màu các loại. Chỉ tính riêng năm 2016, thu nhập từ ươm giống cây rau màu, đã mang lại thu nhập gần 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, gia đình còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động thường xuyên tại địa phương, với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Trần Nguyễn Duy Quang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Vĩnh cho biết, ông Nhanh không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn rất nhiệt tình giúp đỡ các hộ dân trong xã có nhu cầu chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu cung cấp cây giống; chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Bên cạnh đó, ông còn tích cực tham gia các phong trào từ thiện xã hội như ủng hộ xây cầu nông thôn, cất nhà đại đoàn kết…Nhiều năm liền ông Nhanh được công nhận là điển hình tiên tiến trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh.
“Ngoài việc phát triển mô hình của gia đình, ông Nhanh cũng giúp cho các hộ nghèo trong địa phương bắt đầu bằng mô hình sản xuất kinh doanh, giúp người dần địa phương vươn lên thoát nghèo”, ông Quang cho biết.
Ông Lưu Văn Nhanh đã bước đầu đạt được hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ cao trong ương cây giống rau màu mang hiệu quả kinh tế cao. Về phía chính quyền địa phương cho rằng, mô hình này sẽ được thông tin, quảng bá, nhân rộng để góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, giúp nhiều người dân nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.
Theo: vov.vn