Huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, hiện có 19 hệ thống cấp nước sinh hoạt và 80 giếng khoan cấp nước cho 5.328 hộ dân, nhưng có tới 8 công trình hệ thống cấp nước sinh hoạt hoạt động kém hiệu quả. Tình trạng này khiến người dân bị thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt và đời sống sản xuất hàng ngày.
Tại xã Khánh Hiệp, 1.037 hộ dân với trên 4.200 nhân khẩu thuộc 4 thôn, trong đó 90% là đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn do thiếu nước sinh hoạt. Anh Văn Nghị, người dân ở thôn Hòn Lay, xã Khánh Hiệp, cho biết thời gian đầu, hệ thống cung cấp nước sinh hoạt của xã hoạt động tốt nhưng chỉ một tháng sau, nước đã ngưng chảy. Các giếng đào, giếng khoan do Nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện vẫn có nước nhưng nguồn nước bị nhiễm phèn nặng, không dùng trong sinh hoạt được.
Điều đáng nói, trong mùa nắng nóng như hiện nay, nước ngầm cũng dần cạn kiệt, nước từ hệ thống cung cấp nước sinh hoạt Khánh Hiệp chỉ chảy ở một số nơi như tổ 1 và 2 thôn Ba Cẳng, còn các khu vực phía dưới như xóm Mới, xóm A Ma Duân (thôn Hòn Lay)… không có nước. Do đó, người dân muốn sử dụng nước sinh hoạt phải mang thùng nhựa lên phía trên thượng nguồn thôn Ba Cẳng (khoảng 4-5km) để xin nước. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng quá lớn, nước ở thôn Ba Cẳng đến tầm tối bị cạn, không đủ để cung cấp cho người dân. Chị Ca Thị Đai, sống tại xóm Mới, thôn Hòn Lay, xã Khánh Hiệp, cho biết thêm, chị đã phản ánh tình trạng hệ thống nước sinh hoạt ngưng hoạt động nhưng đến nay vẫn không được giải quyết triệt để. Chị cũng như nhiều gia đình ở khu vực này mong muốn sớm cơ quan chức năng sửa chữa đường ống nước để có thể dẫn nước từ đầu nguồn về cho người dân sử dụng.
Tương tự, người dân ở xã Khánh Hưng cũng đang trong tình trạng thiếu nước do hai hệ thống cấp nước sinh hoạt (hệ thống nước sinh hoạt Suối Lách, xã Khánh Trung và hệ thống nước sinh hoạt Khánh Thành, xã Khánh Thành) đều không hoạt động. Do không có nước sạch, họ phải lấy nước nguồn từ núi để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, nước nguồn đang dần cạn kiệt nên nhiều khi, người dân xã Khánh Hưng phải đi 9-10km mới có nước mang về sử dụng.
Ngoài ra, nguồn nước từ các con sông chính chảy qua địa bàn huyện như sông Cái, sông Khế hay các nhánh sông, suối cung cấp nước cho các hệ thống nước tự chảy trên địa bàn đã dần cạn kiệt, đe dọa nghiêm trọng đến tình trạng cung cấp nước sinh hoạt cho hệ thống của nhà máy nước Khánh Vĩnh và toàn bộ hệ thống nước tự chảy tại các xã.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh Nguyễn Văn Thuận cho biết, nắng hạn kéo dài, các công trình cấp nước sinh hoạt tại các xã trên địa bàn huyện đầu tư đã lâu, một số công trình có nguy cơ hư hỏng, xuống cấp không đảm bảo công suất cung cấp nước. Bên cạnh đó, mực nước ở đập dâng, hồ chưa thủy lợi trên địa bàn huyện đang ở mức thấp... ảnh hưởng đến việc cấp nước trên địa bàn.
Thời gian tới, huyện Khánh Vĩnh đã yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng hệ thống cấp nước; căn cứ vào tình hình thực tế của nguồn nước để điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng cho phù hợp. Các địa phương triển khai biện pháp cần thiết để phòng chống hạn, thiếu nước như nạo vét, sửa chữa hư hỏng trên tuyến ống để giảm thiểu thất thoát nước; vận động người dân sử dụng nước hợp lý, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ chứa nước hoặc xây bể chứa để tích trữ nước sinh hoạt…
Được biết, để đảm bảo nước sinh hoạt cho các xã vùng cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa còn đề xuất dự án nước sạch cho các xã Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Đông. Theo đó, dự án có công suất 800m3/ngày đêm cho khoảng 1.500 hộ (bằng 50% số hộ hiện có của 3 xã). Dự kiến tổng mức đầu tư trên 32 tỷ đồng, khi cần thiết sẽ đầu tư nâng cấp mở rộng. Dự án cấp nước sạch được đánh giá thiết thực với đồng bào dân tộc thiểu số, vừa được UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định điều chỉnh giãn tiến độ thực hiện dự án sau năm 2025.
Phan Sáu