Những năm qua, huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa đã tập trung đầu tư cho phát triển giáo dục, nâng cao trình độ giáo viên, cán bộ quản lý, từ đó giúp đảm bảo chất lượng dạy và học. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN |
Khánh Vĩnh có diện tích tự nhiên 1.165 km2, trong đó rừng và đất rừng chiếm hơn 3/4 diện tích; chủ yếu là đồng bào các dân tộc Raglai, Ê Đê… sinh sống. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh, từ năm 2017, huyện đã chú trọng thay thế cây trồng truyền thống có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao như các loại cây ăn quả (bưởi da xanh, sầu riêng, xoài, mít...) và mở rộng phát triển rừng keo để xuất khẩu. Đến nay huyện đã chuyển đổi, trồng được hơn 900 ha cây trồng chủ lực, tập trung chủ yếu ở một số xã như: Khánh Đông, Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Trung, Khánh Nam, Khánh Phú, Sông Cầu, Khánh Thành… Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả chủ lực diện tích 175 ha (bưởi da xanh và sầu riêng), với 213 hộ tham gia. Trên thực tế, nhiều người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vươn lên thoát nghèo bền vững. Anh Cao Trung, thôn Chà Liên, xã Liên Sang là một điển hình. Năm 2000, với số vốn tích lũy được, anh Cao Trung mua 18 ha đất đồi để trồng keo. Nhờ áp dụng khoa học kĩ thuật, vườn keo của anh đã cho thu hoạch. Có tiền lãi, anh Cao Trung mở rộng diện tích trồng thêm các loại cây ăn quả, có giá trị kinh tế như mít, bưởi da xanh... Hiện nay, thu nhập của gia đình anh đạt trên 200 triệu đồng/năm. Anh có điều kiện hỗ trợ các hộ xung quanh phát triển kinh tế. Song song với việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, huyện quan tâm đầu tư, phát triển khu vực nông thôn nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thay đổi tập quán sản xuất, canh tác cho cư dân nông thôn. Hiện nay, hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm đã cơ bản hoàn chỉnh, kiên cố, đáp ứng điều kiện đi lại, học tập của nhân dân. Các cuộc vận động, phong trào thi đua được đẩy mạnh gắn với xây dựng gia đình văn hóa, thôn, xã văn hóa… góp phần thay đổi từng bước diện mạo nông dân, nông thôn ở Khánh Vĩnh. Ông Lương Nguyễn Nhật Trường, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh cho biết, sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, số hộ giàu ở nông thôn tăng lên, số hộ nghèo giảm. Tổng số hộ nghèo của huyện hiện chiếm 52,1%, hộ cận nghèo chiếm 7,55%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân hàng năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 là 11,1%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 16 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, 100% số xã trong huyện được phủ sóng truyền thanh - truyền hình, có trạm y tế và hệ thống trường học từ mẫu giáo đến tiểu học. Ngoài ra, toàn huyện có 98% số hộ dân ở nông thôn được sử dụng điện, gần 97,9% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh... Huyện cũng tranh thủ nguồn đầu tư của Trung ương, của tỉnh để từng bước hoàn thành việc xóa nhà tranh tre, nhà tạm cho nông dân nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã còn khó khăn. Ngoài ra, huyện cũng chú trọng đến công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Số lao động nông thôn được đào tạo nghề chiếm 25,8%. Đặc biệt, lần đầu tiên, huyện Khánh Vĩnh đã xuất khẩu lao động sang làm việc tại thị trường Ả rập Xê út. Bí thư Huyện ủy Khánh Vĩnh Cao Cường cho biết, bên cạnh kết quả đạt được trên địa bàn huyện vẫn còn một số khó khăn như: Giá mía bấp bênh, không ổn định cũng khiến cho 1.500 ha mía trên địa bàn gặp khó khăn về đầu ra... Do đó, huyện đề nghị có các chính sách hỗ trợ người dân trong việc đầu tư và thu mua nguyên liệu mía. Ngoài ra, còn một số khó khăn khác như thiếu vốn thực hiện dự án di dân tại thôn Đá Trắng, xã Cầu Bà; dự án Cụm Công nghiệp Sông Cầu triển khai chậm... Để khắc phục những khó khăn và hạn chế trên, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Định trong một lần làm việc với Huyện ủy Khánh Vĩnh yêu cầu, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền huyện Khánh Vĩnh huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp, chuyển đổi mô hình gắn kết với tăng cường hỗ trợ đầu tư giống cây trồng, kỹ thuật chăm sóc, hướng đến nông nghiệp công nghệ cao để tăng nhanh phát triển kinh tế. Huyện cần phát triển các ngành nghề dịch vụ nông thôn gắn với tạo chuyển biến căn bản về tập quán sản xuất, ý thức tích lũy tái sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển dân trí và mức sống cho cư dân nông thôn. Cùng với đó là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước và vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong phát triển nông nghiệp. Hy vọng với những giải pháp thiết thực, đồng bộ, hiệu quả, thời gian tới, những chính sách trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện Khánh Vĩnh phát triển bền vững.
Phan Sáu