Học sinh trường Tiểu học thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh được trang bị sách vở, đồng phục đầy đủ. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN |
Năm 1987, rời mái trường sư phạm, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Lan Hà tình nguyện lên huyện Khánh Vĩnh dạy học. Ngày ấy, Trường Tiểu học Khánh Bình, xã Khánh Bình chỉ là một ngôi nhà tranh vách nứa. Cuộc sống khó khăn, các giáo viên phải ăn rau rừng, cơm độn khoai sắn và thường xuyên bị sốt rét hành hạ... Ngoài giờ lên lớp, cô và đồng nghiệp phải đến từng nhà để vận động phụ huynh cho con đi học, bởi tỷ lệ học sinh bỏ học rất cao.
“Đồng bào thời ấy vẫn chưa mặn mà với việc cho con đi học. Mình phải lội suối, xuyên rừng, tìm đến từng buôn làng để vận động phụ huynh cho con quay lại lớp học...”, cô Hà nhớ lại.
Thấm thoát 32 năm trong nghề, giờ đây, cô Hà đã đảm nhiệm vai trò hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Bình. Cô Hà cho biết, hiện trường có hơn 450 học sinh. Trường có 1 điểm chính và 2 điểm phụ. Các điểm phụ cách điểm chính khoảng 8 km. Điều này thuận tiện cho học sinh di chuyển, học tập nhưng vất vả cho giáo viên đi lại.
Học sinh lớp 5 trường tiểu học thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh trong một giờ hoạt động nhóm. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN |
Từ việc học sinh bỏ học nhiều, cơ sở vật chất khó khăn, đến nay, 3 điểm trường của Trường Tiểu học Khánh Bình đều khang trang, sạch đẹp, học sinh đi học đều, chất lượng giáo dục được nâng lên, cô Hà nhận xét.
Cô Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Khánh Vĩnh, thị trấn Khánh Vĩnh cho rằng, bên cạnh sự quan tâm của các cấp, ngành, các giáo viên ở đây vẫn còn nhiều khó khăn như: Tiếp cận các chương trình đổi mới giáo dục còn hạn chế; bất đồng ngôn ngữ khi giao tiếp với người dân trong quá trình vận động học sinh đi học trở lại...
Thầy Nguyễn Minh Hùng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Cao Văn Bé, xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh cho biết: Trước kia, trường lớp bằng phên nứa, học sinh bỏ học nhiều thì nay đã được kiên cố hóa, khang trang sạch đẹp. Trình độ dân trí được nâng lên. Tuy nhiên, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng vẫn còn xảy ra. Do vậy, để vận động học sinh trở lại trường, có những thầy cô ngày nào cũng phải đến nhà dân, thậm chí lên rẫy bẻ bắp cùng phụ huynh.
“Giáo viên đi vận động học sinh ra lớp cũng như người làm công tác dân vận phải hiểu được tiếng nói, phong tục, tập quán của người dân, tạo thiện cảm với gia đình thì họ mới nghe theo”, thầy Hùng chia sẻ.
Học sinh trường Tiểu học thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh được trang bị sách vở, đồng phục đầy đủ. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN |
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Khánh Vĩnh, những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo của huyện đã có chuyển biến căn bản. Quy mô trường, lớp phát triển. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được tăng cường. Tính đến đầu năm học 2019-2020, toàn huyện có 40 trường học, tăng 3 trường so với năm học 2011-2015 (có 5 trường đạt chuẩn được công nhận đạt chuẩn quốc gia loại 1), với gần 10 nghìn học sinh, phần lớn là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Ngoài ra, toàn huyện có 14 Trung tâm học tập cộng đồng. Khánh Vĩnh đã từng bước thực hiện tốt việc dạy học, tăng cường Tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số...
Hiện nay, gần như các xã đều có trường mầm non và tiểu học. Đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn khá cao. Tỷ lệ tốt nghiệp tiểu học, trung học cơ sở hàng năm không ngừng được nâng cao. Số học sinh bỏ học giảm (chỉ còn 2,7%/năm)...
Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên ở địa phương không đồng bộ. Một bộ phận cán bộ quản lý và giáo viên còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ. Chất lượng giáo dục ở một số trường ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vẫn còn hạn chế, hiệu quả đào tạo thấp...
Ông Lê Minh Trung, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Khánh Vĩnh cho biết, thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện tiếp tục quan tâm, tạo bước đột phá, đổi mới phương pháp dạy học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; chú trọng hướng nghiệp, đào tạo nghề. Ngành cũng thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ cho giáo viên; tăng cường cơ sở vật chất; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục...
Phan Sáu