Ảnh (tư liệu): Các nhà khoa học nghiên cứu về muỗi Aedes, vật trung gian lây truyền virus Zika, tại một phòng thí nghiệm ở Sao Paulo, Brazil ngày 8/1/2016. AFP/TTXVN |
Theo người phát ngôn Sở Y tế Florida, 2 trường hợp đầu tiên phát hiện ở Hạt Miami-Dade (Mai-a-mi Đây), 2 người bệnh từng đến Colombia hồi tháng 12/2015. Người bệnh thứ 3 sống tại Hạt Hillsborough (Hin-xbô-rô) và vừa trở về từ Venezuela cũng trong tháng trước. Cơ quan trên hối thúc người dân tăng cường bảo vệ bản thân trước những căn bệnh lây truyền qua muỗi, bằng cách dọn sạch nước tù đọng, sử dụng các biện pháp chống muỗi cho bản thân và gia đình. Trước đó, ngày 16/1, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh của Mỹ (CDC) đã xác nhận trường hợp đầu tiên ở nước này nhiễm virus (vi-rút) Zika. Bệnh nhân là một trẻ sơ sinh tại bang Hawaii (Ha-oai), Mỹ, bị phát hiện mắc chứng đầu nhỏ bẩm sinh. Người mẹ được xác nhận đã nhiễm virus Zika trong giai đoạn đầu của thai kỳ khi cô sống tại Brazil, và virus này sau đó đã truyền từ mẹ sang thai nhi. Hiện cả hai bệnh nhân đang được điều trị và trong tình trạng ổn định.
Tất cả các ca nhiễm virus đều vừa trở về từ các nước Mỹ Latinh |
Virus Zika đang lan rộng tại khu vực Nam Mỹ và Caribê trong vài tuần trở lại đây. Tuy nhiên, cho tới nay, chưa có trường hợp nào được xác định là lây nhiễm tại Mỹ. Chính quyền Mỹ đã ban hành cảnh báo đi lại đối với 14 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Caribe và Mỹ Latinh vì nguy cơ nhiễm bệnh do Zika. Theo CDC, tính từ năm 2007 đã có 26 ca nhiễm virus Zika tại Mỹ.
Triệu chứng phổ biến nhất khi nhiễm virus là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban |
Virus Zika thuộc họ virus Flaviviridae và lây nhiễm qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes. Triệu chứng phổ biến nhất khi nhiễm virus là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban. Bệnh kéo dài từ 4-7 ngày nhưng chưa có thông báo tử vong. Đối với phụ nữ có thai, virus để lại dị tật thai nhi với chứng teo não. Hiện chưa có vaccine (vắc-xin) phòng ngừa virus Zika. Loại virus này đầu tiên được phát hiện ở những con khỉ Rhesus trong rừng Zika ở Uganda từ năm 1947. Các đợt bùng phát virus Zika từng được ghi nhận tại khu vực châu Phi, Đông Nam Á, các quần đảo ở Thái Bình Dương và một số nước ở châu Mỹ./.