Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang phát biểu tại Hội nghị. Nguồn: baokontum.com.vn
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang phát biểu tại Hội nghị. Nguồn: baokontum.com.vn

Chiều 8/6, Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức Hội nghị sơ kết một năm triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum ảnh 1Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang phát biểu tại Hội nghị. Nguồn: baokontum.com.vn

Hội nghị nhằm đánh giá lại việc thực hiện cuộc vận động trong một năm qua; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện cuộc vận động giữa các địa phương trong tỉnh. Đây cũng là dịp các địa phương rút ra bài học kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế và đề ra các giải pháp để tiếp tục thực hiện cuộc vận động đạt được hiệu quả cao hơn trong những năm tiếp theo.

Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang đánh giá, sau một năm triển khai, cuộc vận động đã đạt được nhiều thành tựu, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong suy nghĩ, nhận thức của người dân tộc thiểu số. Nhiều hộ dân tộc thiểu số đã mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế; bỏ các hủ tục lạc hậu; chú trọng chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉ lệ đưa con em đến trường ngày được nâng cao, tỉ lệ hộ thoát nghèo tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, việc thực hiện cuộc vận động ở một số địa phương trong tỉnh vẫn còn hình thức, chưa phát huy tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Một số địa phương chưa chú trọng công tác xây dựng mô hình điểm. Việc lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ thực hiện cuộc vận động còn gặp nhiều khó khăn…

“Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động, các cấp, ngành của tỉnh phải xây dựng kế hoạch gắn việc thực hiện cuộc vận động với triển khai các chương trình mục tiêu Quốc gia; có cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả trong công tác tuyên truyền; tranh thủ huy động tối đa các nguồn lực để xây dựng các mô hình của cuộc vận động, tuyên truyền cho bà con mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế; tổ chức cho các địa phương học tập, trao đổi kinh nghiệm trong việc triển khai cuộc vận động”, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum nhấn mạnh.

Bà Đinh Thị Mỹ Hảo, Phó Bí thư Huyện ủy Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum cho biết, huyện có 65,22% dân số là người dân tộc thiểu số, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều khó khăn. Thực hiện cuộc vận động, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo cho các đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền; xây dựng mô hình điểm, thực hiện lồng ghép vào các dự án, chương trình mục tiêu Quốc gia để thực hiện.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum ảnh 2Quang cảnh Hội nghị. Nguồn: baokontum.com.vn

Nhờ đó, 15,47% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện thay đổi nếp nghĩ, cách làm; 37,51% hộ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; 9% số hộ có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện; 8,42% số hộ tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã. Huyện đã giảm 13,39% số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số so với cuối năm 2020.

Được triển khai từ ngày 22/4/2021, sau một năm, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” đã được cả hệ thống chính trị của tỉnh Kon Tum tích cực vào cuộc, các tầng lớp nhân dân, nhất là người dân tộc thiểu số đồng tình, hưởng ứng. Đến nay, 102/102 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã ban hành kế hoạch và phối hợp tổ chức thực hiện cuộc vận động. Gần 25.000 hộ dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo được tuyên truyền, phổ biến về nội dung cuộc vận động.

Nhờ đó, trên 9.300 hộ dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo đã thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, tập tục lạc hậu như: tục tảo hôn, tục kiêng kỵ người chết xấu, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Gần 8.700 hộ biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao để nuôi, trồng. Gần 4.000 hộ có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện. Gần 700 hộ tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã. Trên 5.300 hộ thoát nghèo theo chuẩn nghèo cũ…

Dư Toán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm