Báo cáo về kế hoạch triển khai các hoạt động khoa học công nghệ, ông Nguyễn Việt Dũng, Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, Sở đã đặt ra các nhiệm vụ là nâng cao nhận thức của cộng đồng về khoa học công nghệ; đầu tư một số dự án trọng điểm; phát triển tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, thành lập các trung tâm tiên tiến, thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội; phát triển thị trường khoa học công nghệ, nâng cao đổi mới sáng tạo… Thành phố Hồ Chí Minh đang chủ trương xây dựng thành phố thông minh, một trong những điều cần đặc biệt quan tâm là những ứng dụng từ cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Việt Dũng, 97% doanh nghiệp thành phố là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cùng với nhận thức về đổi mới sáng tạo còn chưa cao. Hiện các doanh nghiệp chú trọng hơn đến vốn, chưa quan tâm đến khoa học công nghệ. Vì vậy, Sở đã và đang thiết kế những chương trình khoa học công nghệ trọng điểm trong những năm sắp tới, dựa trên tầm nhìn xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo của thành phố.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN |
Tại buổi làm việc, ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố luôn đáp ứng kinh phí và tạo điều kiện, cơ chế thuận lợi để khoa học công nghệ phát triển, nhằm trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố; những vướng mắc về các cơ chế về tài chính, tuyển dụng nhân sự, thành phố sẽ xem xét cho phù hợp thực tế…
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN |
Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đánh giá cao những nỗ lực của Sở Khoa học và Công nghệ; trong đó, ngành khoa học công nghệ, các nhà khoa học có đóng góp quan trọng trong việc thực hiện và hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2016. Nhưng hiện ngành khoa học công nghệ chưa có giải pháp đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp và thu hút đầu tư tư nhân cho nghiên cứu đổi mới khoa học công nghệ.
Theo ông Đinh La Thăng, làm khoa học công nghệ cần bám sát thực tiễn cơ sở. Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ phải thật sự là “tư lệnh” trong lĩnh vực khoa học công nghệ; các sở, ngành khác cũng có khoa học công nghệ nhưng Sở Khoa học và Công nghệ phải là đầu mối, chỉ huy.
Đối với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ông Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Sở phối hợp với các đơn vị cần xây dựng đề án để thành phố sẵn sàng đón nhận cơ hội, thách thức của cuộc cách mạng này. Đây là thời cơ để Thành phố Hồ Chí Minh rút ngắn khoảng cách và tiệm cận với các thành phố trong khu vực. Chúng ta đi sau thì phải tận dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới để tăng tốc”.
|
Theo ông Đinh La Thăng, thách thức lớn nhất là phải tái cơ cấu lại kinh tế thành phố, bởi khi đón nhận cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với việc số hóa, sử dụng rô-bốt tự động hóa… sẽ khiến nhiều việc làm bị mất đi. Vì vậy, cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; đồng thời, đánh giá thực trạng hoạt động của doanh nghiệp hiện nay, trong khi chưa có nhiều doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phải có cơ chế chính sách giúp các doanh nghiệp đang hoạt động đổi mới được công nghệ.
Ngoài ra, ông Đinh La Thăng đề nghị ngành giáo dục tiếp tục cải cách, tập trung nâng cao nhận thức và hướng sinh viên vào các ngành khoa học công nghệ, khoa học kỹ thuật; thành phố cần xây dựng hạ tầng để ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng đội ngũ các nhà khoa học giỏi, từng lĩnh vực phải có giáo sư đầu ngành.
Đối với những vướng mắc gây khó khăn cho khoa học công nghệ, ông Đinh La Thăng yêu cầu các sở, ngành xem xét tháo gỡ, nhất là cơ chế tuyển dụng công chức, viên chức phải có hộ khẩu thành phố khó thu hút nhân tài; tháo gỡ thủ tục cơ chế tài chính, tạo thuận lợi cho nhà khoa học trong nghiên cứu…/.