Thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn

Một vở diễn cải lương. Ảnh: Thu Hương/TTXVN
Một vở diễn cải lương. Ảnh: Thu Hương/TTXVN

Nghệ thuật biểu diễn là một trong 8 ngành được lựa chọn để phát triển công nghiệp văn hóa trong 10 năm tới tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trước những khó khăn, thách thức như hệ thống cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu hụt nguồn nhân lực, đội ngũ đạo diễn, diễn viên kế thừa… , ngành nghệ thuật biểu diễn đang tìm giải pháp phát triển phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, nội dung nhằm giữ gìn, phát huy những giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc. 

Thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn ảnh 1Một vở diễn cải lương. Ảnh: Thu Hương/TTXVN

Chưa được đầu tư đúng mức

Các loại hình ca nhạc, kịch nói, cải lương, hài kịch, múa, múa rối là những yếu tố trọng tâm mà Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến phát triển để trở thành trung tâm của ngành nghệ thuật biểu diễn của cả nước.

Đánh giá thực trạng của các ngành nghệ thuật biểu diễn, Thạc sĩ Trần Văn Phương, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hoạt động ở lĩnh vực ca nhạc nhẹ có sự trưởng thành vượt bậc, có những đóng góp không nhỏ và đi đầu theo hướng chuyên nghiệp.

Ở lĩnh vực kịch nói, sau một thời gian phát triển rực rỡ, đến nay, loại hình này đang có dấu hiệu chững lại cùng với nhiều khó khăn, thách thức. Loại hình nghệ thuật truyền thống cải lương có dấu hiệu “tụt dốc” vì hầu như không còn tác giả sáng tác, nghệ sĩ không chú trọng dựng vở diễn mới mang hơi thở của cuộc sống đương đại.

Đối với rạp hát, sân khấu kịch, ca nhạc, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị có phần xuống cấp, chưa ổn định dẫn đến sự quan tâm, đầu tư, quảng bá nội dung hoạt động chưa phong phú, tiện nghi cũ kỹ. Các nhà hát, địa điểm biểu diễn còn thiếu về quỹ đất cũng như kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của biểu diễn nghệ thuật.

Theo ông Trần Văn Phương, nguyên nhân là do các sản phẩm tăng tính thị hiếu và giải trí, giảm tính nghệ thuật; thị trường phát triển nhanh nên cũng sớm tàn; việc quản lý sự phát triển nghệ thuật biểu diễn chưa chặt chẽ; giá trị nghệ thuật thiếu tính bền vững và xu hướng nghệ thuật truyền thống dần bị mai một…

Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Lê Nguyên Đạt, Trưởng Khoa Kịch hát Dân tộc, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cốt lõi của ngành nghệ thuật biểu diễn là con người và đào tạo những nghệ sĩ chuyên nghiệp. 

Hiện, Trường đang gặp khó khăn do chưa có sự gắn kết chặt chẽ với cơ quan quản lý, đội ngũ giáo viên phải đáp ứng cùng lúc nhiều yêu cầu, tiêu chuẩn của nhà giáo trong thời đại mới.

Đặc biệt là đào tạo ở lĩnh vực cải lương, kịch nói, sinh viên hiện ưa chuộng học ở các sân khấu kịch do thời gian đào tạo ngắn, nhanh chóng nổi tiếng; trong khi đó, ở lĩnh vực hát bội không tìm ra học trò.

Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn của thành phố còn thiếu sự đồng bộ. Cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo, đặc biệt phục vụ học thực hành không đáp ứng được nhu cầu. Các địa điểm biểu diễn hầu hết không đạt những tiêu chuẩn về sân khấu, hệ thống âm thanh, ánh sáng…

Nhiều đơn vị sân khấu truyền thống bày tỏ nỗi lo lắng khi trong nhiều năm qua nguồn thu không đủ bù chi. Tại Thành phố, vẫn có những chương trình thu hút từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn khán giả nhưng đầu tư với mục đích bán vé sinh lợi nhuận rất ít. Đa phần là chương trình được tài trợ bởi các nhãn hàng, số lượng nghệ sĩ có thể bán vé được không nhiều.

Ông Võ Thành Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lune Production (đơn vị sản xuất chương trình À Ố Show) cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều tiềm năng trong việc đầu tư, phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn tuy nhiên chưa được khai thác tối đa.

Vì vậy, cần có sự chung tay của 3 nhóm yếu tố như ngân sách công (không đưa trực tiếp vào show diễn, chẳng hạn tài trợ được địa điểm biểu diễn bằng cách xây dựng một nhà hát đủ chuẩn); nguồn thu trực tiếp từ show diễn và bảo trợ (đến từ các thương hiệu, nhà tài trợ, quảng cáo, tổ chức phi chính phủ…) mới tạo nên được giải pháp lâu dài, bền vững.

Chú trọng phát triển loại hình văn hóa đặc trưng

Để thúc đẩy phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng thành phố cần chú trọng quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo nguồn nhân lực; gắn đào tạo chính quy với đào tạo ngắn hạn; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu cho các trường, viện; phát triển lực lượng lý luận phê bình nghệ thuật biểu diễn có trình độ, chuyên môn cao.

Thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn ảnh 2Một vở diễn cải lương. Ảnh: Thu Hương/TTXVN

Theo bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản Thành phố Hồ Chí Minh, đối với nghệ thuật biểu diễn, so với nhu cầu thụ hưởng nghệ thuật đích thực, cần nhanh chóng xây dựng nhà hát giao hưởng thành phố. Song song đó, có những chính sách kích cầu, hỗ trợ và nâng cao tầm nhận thức, thụ hưởng văn hóa nghệ thuật cho người dân. 

Bên cạnh đó, về cơ chế chính sách, thành phố cần rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật; xây dựng cơ chế khuyến khích huy động vốn từ các thành phần kinh tế trong nước và quốc tế, các nguồn tài trợ hợp pháp, tổ chức, cá nhân; xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan, đơn vị nghệ thuật biểu diễn với các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương trong việc tổ chức, sản xuất, phát sóng các chương trình nghệ thuật...

Chung quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Văn Minh Hương, một chuyên gia về âm nhạc cho rằng, thành phố cần chủ động bố trí nguồn ngân sách để đầu tư cải tạo, nâng cấp các nhà hát biểu diễn nghệ thuật, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Tương tự, theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đang thiếu những chương trình nghệ thuật mang bản sắc văn hóa, do vậy cần chú trọng yếu tố này để tạo diện mạo riêng cho thành phố.

Bên cạnh đó, nhằm hướng đến một nền "văn hóa đỉnh cao", cần chú trọng phát triển đồng bộ từ yếu tố con người đến cơ sở hạ tầng và đặc biệt là các sản phẩm văn hóa mang tính điển hình, đặc trưng mang bản sắc của Thành phố Hồ Chí Minh và Nam Bộ, như Đờn ca tài tử, nghệ thuật cải lương...

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Quản lý sân khấu Kịch Idecaf cho rằng cần chú trọng phát triển nghệ thuật biểu diễn trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa tính dân tộc, tính quốc tế để tạo ra những sản phẩm mang hơi thở đương đại nhưng vẫn bảo tồn, khẳng định được bản sắc dân tộc.

Đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài công lập tham gia dưới mọi hình thức để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, phát triển các loại hình nghệ thuật đương đại.

Về quảng bá và hợp tác quốc tế, cần chú trọng lồng ghép chương trình hoạt động biểu diễn nghệ thuật gắn với các sự kiện ngoại giao, giao lưu văn hóa khu vực và quốc tế; tăng cường giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật có giá trị ra thế giới và ngược lại...

Có như vậy, ngành nghệ thuật biểu diễn của thành phố mới tạo được nhiều sản phẩm chất lượng nghệ thuật cao đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân nói chung, du khách quốc tế nói riêng./.

Thu Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm