Sự quyết liệt đó đã giành được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, tạo sức lan tỏa cho nhiều địa bàn khác nhưng đồng thời cũng để lại một số băn khoăn trong dư luận mà chính quyền cần cầu thị để hoàn thiện, nâng cao công tác quản lý nhà nước. * Quyết liệt xử lý Ngày 28/2, đoàn kiểm tra liên ngành quận 1 do ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 dẫn đầu đã tiếp tục kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè trên địa bàn quận. Cùng với việc lập biên bản xử phạt nhiều xe ô tô dừng đỗ trên vỉa hè, Đoàn kiểm tra đã dùng xe chuyên dụng cẩu xe vi phạm về bãi tập kết do tài xế vắng mặt trên địa bàn phường Bến Thành.
|
Lập biên bản xử lý vi phạm một hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè trên đường Võ Thị Sáu, quận 3. Ảnh: An Hiếu - TTXVN |
|
Đó là các xe mang biển kiểm soát (BKS) 63K-3696 trước khách sạn Kỳ Hòa Bến Thành (thuộc Tổng cục Du lịch Việt Nam) góc đường Nguyễn Du, Nguyễn Trung Trực; xe mang BKS 51A – 93848 trước khách sạn Rạng Đông - Công ty cổ phần Du lịch Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh), số 81 – 83 đường Cách Mạng Tháng Tám; ô tô mang BKS 51A – 16183 đậu trước cổng Nhạc viện thành phố, số 112 Nguyễn Du; ô tô mang BKS 51F-70403 trước khách sạn Harmony số 32 -34 Bùi Thị Xuân; ô tô mang BKS 51A-42770 đậu trước Công ty cổ phần Khơ Thị F&B, số 92 Sương Nguyệt Anh. Đặc biệt, tại địa chỉ 63 Bùi Thị Xuân, Đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện 4 xe ô tô đậu sai quy định tại góc cây xăng đường Lê Thị Riêng và Bùi Thị Xuân, 2 chốt dựng lên sai quy định và bị ông Đoàn Ngọc Hải yêu cầu trong tuần phải tháo dỡ là trụ sở Khu phố 1, phường Bến Thành và chốt ATM của Ngân hàng Đông Á. Từ ngày 16/1, Đoàn kiểm tra liên ngành quận 1 đã ra quân thực hiện đảm bảo trật tự an toàn đô thị trên địa bàn và đã lập biên bản xử phạt 790 trường hợp vi phạm về lấn chiếm vỉa hè (đỗ xe, bày bán hàng hóa, bán hàng rong,…). Trong thời gian này, người thành phố đã quen cảnh ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 trực tiếp xuống đường, chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành xử lý ngay tại chỗ nhiều hành vi lấn chiếm vỉa hè.
|
Nhiều người vẫn đi xe máy trên vỉa hè lắp thí điểm barie một thanh. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN |
|
Các sự vụ quyết liệt phải kể đến như dỡ bồn hoa, trụ ATM trước Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận 1; tháo dỡ trụ sở Khu phố 6, phường Bến Thành; đập bức tường trước tòa nhà Bộ Công Thương phía Nam; phá dỡ nhiều bậc thềm kiên cố của nhiều hộ dân trên đường Trần Quang Khải; xử lý nghiêm nhiều xe biển xanh do đậu xe trên vỉa hè... Sự vào cuộc quyết liệt của UBND quận 1 đã tạo sức “nóng” và độ “lan tỏa” ra một số địa bàn khác khi bắt đầu từ ngày 27/2, một số quận gồm Bình Tân, Phú Nhuận và quận 3 đã ra quân gìn giữ trật tự đô thị, lấy lại sự thông thoáng cho vỉa hè trên nhiều tuyến đường. Riêng trong ngày 28/2, Đoàn kiểm tra liên ngành quận 3 đã kiểm tra, xử lý hơn 20 trường hợp vi phạm trật tự đô thị tại các tuyến đường Phạm Ngọc Thạch, khu vực Hồ Con Rùa, Võ Thị Sáu, Bà Huyện Thanh Quan. Theo ông Trần Việt Lâm – Đội trưởng Đội quản lý trật tự đô thị quận 3, hiện Đội tiến hành kiểm tra 3 lần/ngày vào 6 giờ, 13 giờ 30 và 19 giờ đồng thời tăng cường lực lượng nhiều hơn, từ 1 tổ lên 2 tổ, thậm chí lên 4 tổ để kịp thời xử lý những điểm nóng.
|
Xe ô tô đậu trên vỉa hè đường Nguyễn Thái Bình, lấn chiếm phần đường người đi bộ. Ảnh: Mạnh Linh – TTXVN |
|
Trước diễn biến trên, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã hoan nghênh UBND quận 1 trong việc quyết liệt xử lý tình trạng lấn chiếm lòng lề đường. Trong tuần này, UBND thành phố sẽ có cuộc họp về vấn đề này để giao nhiệm vụ cụ thể cho các Chủ tịch UBND quận, huyện nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Chứng kiến sự quyết liệt vào cuộc của Đoàn kiểm tra liên ngành quận 1 ngay tại hiện trường, ông Nguyễn Đình Đạt, ngụ tại quận 7 cho biết, cá nhân và gia đình ông rất vui mừng và hoàn toàn ủng hộ chủ trương của UBNQ quận 1 vì đã giành lại sự thông thoáng vỉa hè cho người đi bộ. Ông Nguyễn Đình Đạt cho rằng, chính quyền trước hết cần làm nghiêm các xe ô tô mang biển số xanh, số đỏ vi phạm trật tự vỉa hè để làm gương cho người dân vì vỉa hè là tài sản chung, không của cá nhân nào. *Tạo lan tỏa cho các địa bàn khác Việc ra quân giành lại vỉa hè với sự quyết tâm, quyết liệt của UBND quận 1 đang là tâm điểm dư luận trong thời gian qua. Đa số người dân đồng tình ủng hộ khi chính quyền quyết tâm lấy lại mỹ quan đô thị cho trung tâm thành phố, nhưng cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về cách làm hiện nay. Trong các buổi kiểm tra và xử lý tại chỗ, hầu hết các đối tượng vi phạm đều tỏ ra bất ngờ trước sự cương quyết của Đoàn kiểm tra. Chưa thấy trường hợp nào chống đối hoặc tỏ ra bất hợp tác nhưng về tâm lý, nhiều người vi phạm cho rằng chính quyền cần cho họ thời gian xử lý (nộp phạt, tự tháo dỡ) hơn là bị cẩu xe về bãi tập kết, và bị đập dỡ. Thông tin với báo chí, Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan thừa nhận, việc quản lý trật tự đô thị đã bị buông lỏng trong thời gian dài, nguyên nhân là do nội quy, chế tài xử lý vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, nhất là càng về quận huyện ngoại thành. Ông Võ Văn Hoan thông tin thêm, lãnh đạo UBND thành phố hoàn toàn ủng hộ chủ trương quyết liệt của UBND quận 1, nhất định phải lập lại trật tự lòng lề đường cho người đi bộ. Thành phố kỳ vọng quận 1 sẽ làm được và tạo lan tỏa cho các địa bàn khác. Sự quyết liệt của UBND quận 1 đã tạo chuyển biến rõ rệt trong ý thức của người dân về đảm bảo trật tự đô thị, tạo hiệu ứng xã hội, được người dân ủng hộ. Sắp tới, thành phố sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ để mang lại hiệu quả cao hơn. Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, chủ trương giành lại vỉa hè là đúng nhưng cần xem xét lại cách làm vì quy trình xử lý vi phạm trật tự đô thị phải tuân theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, tức là phải thông báo và cho người vi phạm thời gian khắc phục, sau đó mới tiến hành cưỡng chế. Có chung quan điểm, Luật sư Nguyễn Văn Cường, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, chủ trương của UBND quận 1 là đúng, cần phải ủng hộ, nhất là khi giành lại sự thông thoáng vỉa hè cho người đi bộ, chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm của công làm của tư, thể hiện sự nghiêm minh pháp luật. Tuy nhiên, quá trình và cách làm phải xem xét lại cả dưới góc độ nhân văn và pháp lý. Bởi lẽ từ hàng trăm năm nay, buôn bán vỉa hè trở thành tập quán, văn hóa và chỗ mưu sinh của người thành phố. Có những gia đình 9 - 10 người phụ thuộc vào vỉa hè để kinh doanh, sinh sống nên việc làm đột ngột phá dỡ công trình vi phạm của UBND quận 1 trong thời gian qua đã tạo không ít xáo trộn trong sinh hoạt của người dân. Việc làm đó tuy đúng về chủ trương, quyết liệt về hành động nhưng cũng đã tiêu tốn nhiều chi phí vật chất (tài sản công dân, bố trí lực lượng…) và tâm lý người dân. “Dưới góc độ pháp lý, vì việc dỡ bỏ công trình liên quan đến tài sản công dân nên phải tuân thủ Luật Xử lý vi phạm hành chính, tức là có thông báo cho người vi phạm thời gian khắc phục sau đó mới tiến hành cưỡng chế. Cùng với đó, để ổn định tâm lý người dân, chính quyền cần điều tra, khảo sát thực tế kinh doanh vỉa hè, tìm phương án chuyển đổi nghề nghiệp chứ không nên xử lý một cách đột ngột như thời gian vừa qua”, Luật sư Nguyễn Văn Cường chia sẻ thêm./.
Nguồn:TTXVN/Báo ảnh Dân tộc và Miền núi