Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Tại buổi họp báo do UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều tối 4/6, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, đến nay thành phố đã giải quyết cho 336.554 hộ kinh doanh cá thể, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với số tiền 465 tỷ đồng.

Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Hồng Diễm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh trao quà cho học viên Trung tân Dạy nghề cho Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Thành phố. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN

Hiện trên địa bàn thành phố có 47.533 lao động của 2.862 doanh nghiệp bị giãn việc, ngừng việc, trong đó thành phố đã giải quyết được cho 20.000 lao động. Đây là nỗ lực tích cực của cả hệ thống chính trị thành phố, đặc biệt, các quận, huyện đã trực tiếp xác định đối tượng và trực tiếp chi trả tiền hỗ trợ”, ông Lê Minh Tấn nêu rõ.

Thông tin về tiến độ giải quyết chế độ đối với người dân nằm ngoài ranh quy hoạch 4,3 ha dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, ông Lê Phước Tài, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cho biết, trong tháng 5/2020, UBND Thành phố đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2000 đối với ba khu đất thuộc phường Bình Khánh, Quận 2 để phục vụ người dân. Sau đó Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các khu đất này với quy mô 198 nền đất và đang thương thảo với người dân nhận nền đất.

Còn theo bà Lương Thu Anh, Trưởng phòng Quy hoạch Khu trung tâm (Sở Quy hoạch và Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh), dự án Trung tâm triển lãm thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quy mô hơn 800 tỷ đồng) bị bỏ hoang do không thống nhất được việc thi công gói thầu số 6 là gói thầu nhôm kính, hiện nay dự án đang được thanh tra, sau khi có kết luận thanh tra sẽ khởi động lại.

Cũng tại buổi họp báo, trả lời về chi phí chống ngập đang được người dân quan tâm, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, hiện nay việc xã hội hóa chống ngập trên địa bàn thành phố đang được thực hiện theo chủ trương của Thường trực Thành ủy giao Ban cán sự Đảng thành phố xem xét cổ phần hóa các công ty công ích quận, huyện thực hiện công tác duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước theo hướng xã hội hóa và giao các công ty tư nhân thực hiện.

Vừa qua UBND thành phố chỉ đạo xây dựng đơn giá chống ngập để khi xã hội hóa, các đơn vị tư nhân thực hiện có đơn giá chi trả. Vì vậy Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng đã ký hợp đồng với Phân viện Kinh tế miền Nam (thuộc Bộ Xây dựng) xây dựng định mức và đơn giá chống ngập. Sau khi có bộ định mức đơn giá này, việc thực hiện chống ngập được thực hiện theo quy định của Chính phủ trong việc giao nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm các dịch vụ công sử dụng ngân sách từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Hiện nay thành phố có hàng loạt dự án chống ngập nhưng đang trong quá trình thực hiện nên việc kết nối chưa hoàn chỉnh. Các dự án chống ngập chủ yếu được thực hiện trong khu vực trung tâm thành phố, còn các vùng ven thì chưa xử lý triệt để. Do đó, các dự án này sẽ phát huy hiệu quả khi hoàn tất tất cả các dự án đang thực hiện. Dự kiến khu vực trung tâm thành phố sẽ hết ngập vào năm 2021 và các khu vực khác sẽ thực hiện chống ngập theo các đề án của chương trình trọng điểm. Thành phố cần sự đồng hành của người dân, tuy nhiên thành phố sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm vấn đề này nên người dân không phải trả chi phí cho việc chống ngập”, đại diện Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định./.

Trần Xuân Tình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm