Tiền Giang: Xã anh hùng Tăng Hòa hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu

Trong kháng chiến chống Mỹ, xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang là địa bàn trọng điểm của tỉnh Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Ngày 22/8/1998, địa phương được công nhận danh hiệu xã “Anh hùng lực lượng vũ trang”. Đến nay, xã Tăng Hòa đã trở thành một trong những địa phương điển hình ở vùng ngọt hóa Gò Công trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất, vững bước đạt chuẩn nông thôn mới. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở một vùng đất bị nước mặn xâm nhập, chiến tranh tàn phá nay trở thành một xã có kinh tế phát triển, xếp hạng Nhất trong phong trào thi đua của huyện Gò Công Đông được xem như một kỳ tích.

vna_potal_phat_trien_nuoi_de_o_cac_huyen_ven_bien_go_cong_6401271.jpg
Mô hình nuôi dê thịt, cung ứng dê giống ở xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông. Ảnh: Hữu Chí – TTXVN

Ông Trần Văn Mum, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tăng Hòa giai đoạn 2002-2012 cho biết, sau ngày thống nhất đất nước-30/4/1975, kinh tế của xã Tăng Hòa rất khó khăn; đồng ruộng, nhà cửa tiêu điều; hệ thống giao thông cùng cơ sở hạ tầng hầu như không có gì, hầu hết là những con đường đất. Tỉ lệ nghèo ở xã lúc này là 43%, gần như cao nhất huyện; đất nhiễm mặn nghiêm trọng.

Hòa chung với công cuộc tái thiết đất nước, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Tăng Hòa đã quyết tâm, kiên trì từng bước tạo dựng cuộc sống mới với động lực chính là phát huy truyền thống anh hùng trong quá trình phát triển kinh tế.

Theo ông Trần Văn Mum, bước đột phá lớn nhất cũng như tính quyết định cho việc xây dựng, phát triển kinh tế xã Tăng Hòa sau ngày giải phóng miền Nam là vấn đề thủy lợi nội đồng. Khi hệ thống dẫn nước từ kênh Thâm Thu được khơi dòng dẫn nước ngọt về khu vực Gò Công, các tuyến kênh trong xã nhanh chóng được thi công, vừa “dẫn thủy nhập điền” vừa phát triển giao thông nông thôn.

Chương trình ngọt hóa vùng Gò Công được thực hiện đã đáp ứng được niềm mong mỏi, ước mơ của người dân ở xã Tăng Hòa nói riêng và khu vực các huyện phía Đông của tỉnh nói chung. Hệ thống thủy lợi nội đồng hoàn thành đủ sức tưới tiêu cho diện tích sản xuất và chăn nuôi; giúp ngăn mặn, trữ ngọt, đảm bảo sản xuất theo lịch thời vụ. Hệ thống đê ngăn mặn cùng chương trình dẫn nước ngọt từ các huyện phía Tây về được hoàn thành đã giúp cây lúa đứng vững từ một vụ bấp bênh lên hai vụ. Kinh tế xã Tăng Hòa dần dần gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cùng chăn nuôi gia cầm. Hơn nữa, chủ trương xóa đói giảm nghèo bằng cách cho nông dân vay vốn ngân hàng ưu đãi với lãi suất thấp và nhiều dự án hỗ trợ khác đã giúp người dân dần ổn định cuộc sống.

Chủ tịch UBND xã Tăng Hòa Nguyễn Văn Vũ cho biết, hiện kinh tế nông nghiệp ở xã Tăng Hòa có cây lúa cùng rau màu là chủ lực. Từ khi có chương trình ngọt hóa, đời sống người dân trong xã nói riêng cũng như của khu vực Gò Công nói chung thực sự đã được đổi đời. Hệ thống đê ngăn mặn cùng ô đê bao nội bộ đã ngăn chặn được sự tấn công của nước mặn, giúp cây lúa đứng vững từ một vụ bấp bênh lên hai vụ. Diện tích 970 ha sản xuất lúa của xã ha hiện đã được người dân sản xuất 3 vụ ăn chắc với năng suất từ 7-8 tấn/ha. Với giá lúa được mua từ 6.500-7.000 đồng/kg, năng suất trung bình 7,8 tấn/ha, nông dân có lãi từ 10-20 triệu đồng/ha.

Theo quy hoạch của xã, khu vực các ấp Giồng Lãnh 2, ấp Giồng Tân, ấp Giồng Lãnh 2, ấp Trại Ngang và ấp Giồng Lãnh 1 sẽ là vùng sản xuất lúa theo công nghệ hiện đại. Ngoài ra, tận dụng nét đặc trưng của vùng có nhiều đồng cỏ, nguồn rơm sau khi thu hoạch lúa, ngành nông nghiệp xã định hướng phát triển đàn bò, dê, gia cầm. Một trong những điển hình của phong trào phát triển chăn nuôi là gia đình ông Đoàn Văn Hồng (50 tuổi, cư ngụ tại xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông) với trang trại nuôi dê thịt quy mô 2.000 con cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm. Ông Hồng chia sẻ: “Trước đây kinh tế gia đình khó khăn, chỉ nuôi 2-3 con dê, sau này nhờ sự hỗ trợ vay vốn để sản xuất của địa phương nên tôi mạnh dạn đầu tư chuồng trại, phát triển đàn dê theo hướng nuôi vỗ béo, bán dê thương phẩm nên có cơ ngơi như ngày hôm nay…”.

Dấu ấn ghi nhận sự phấn đấu, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân xã Tăng Hòa trong xây dựng, phát triển kinh tế là xã đạt chuẩn nông thôn mới vào 31/7/2019. Đến tháng 12/2022, xã Tăng Hòa đã đạt 19/19 tiêu chí, ra mắt xã nông thôn mới nâng cao. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Tăng Hòa được nâng lên đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người đạt 64,93 triệu đồng/người/năm. Hộ nghèo của xã giảm rất nhanh, chỉ còn 0,75%. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng cao. An ninh trật tự của xã luôn được giữ vững.

Ông Nguyễn Văn Vũ khẳng định, chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã dựa trên tiềm lực đất đai, nguồn lao động địa phương đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, Cấp ủy, chính quyền xã xác định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp trọng điểm là duy trì và phát huy tốt công tác thủy lợi nội đồng; tập trung cây chủ lực là lúa và rau màu; khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tăng Hòa quyết tâm giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới nâng cao, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đầu tư nâng chất lượng 19 tiêu chí nông thôn mới; tăng thu nhập của người dân, hướng đến xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Thành quả về phát triển kinh tế - xã hội mà xã Tăng Hòa đạt được trong 49 năm sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước sẽ là nền tảng vững chắc để địa phương tiếp tục trở thành một trong những cơ sở đi đầu trong phát triển kinh tế nông nghiệp của Tiền Giang.

Hữu Chí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm