Huyện vùng cao Đà Bắc nỗ lực về đích nông thôn mới

Đà Bắc là huyện vùng cao và khó khăn của tỉnh Hòa Bình, với địa hình chủ yếu là đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao. Đây là những rào cản ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện. Xác định chương trình xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa quan trọng, huyện Đà Bắc đã và đang nỗ lực tập trung hoàn thành các tiêu chí, phấn đấu đưa các xã về đích nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

vna_potal_hoa_binh_ve_dep_khang_trang_tho_mong_cua_xom_tai_dinh_cu_lau_bai__6746442.jpg
Xóm tái định cư Lau Bai, một bản người Dao đẹp thơ mộng, với vị trí địa lý đắc địa tọa lạc trên ngọn đồi hình yên ngựa, xuôi dần về phía hồ, cùng cảnh quan núi, sông kỳ vỹ. Ảnh: Trọng Đạt-TTXVN

Tập trung thực hiện các tiêu chí

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Đà Bắc đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương quán triệt, tập trung nguồn lực thực hiện các tiêu chí. Hiện nay, toàn huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đã đạt 209 tiêu chí, bình quân 13,06 tiêu chí/xã; có 4 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đang tập trung thực hiện các tiêu chí về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

Ông Bùi Khắc Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đà Bắc cho biết, năm 2024, huyện phấn đấu số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới bình quân là 13,5 tiêu chí/xã; không có xã dưới 10 tiêu chí. Huyện phấn đấu đưa một số xã về đích nông thôn mới, mỗi xã tăng từ 1 đến 5 tiêu chí; chuẩn hóa thêm 2 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, công nhận 2 vườn mẫu nông thôn mới. Để hoàn thành các mục tiêu, huyện Đà Bắc tiếp tục hoàn thành các công trình thiết yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân như: giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế. Bên cạnh đó, huyện chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho người dân; đồng thời, tiếp tục phát động, tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào "Nhà sạch - vườn đẹp - môi trường trong lành - ngõ xóm văn minh”…

vna_potal_du_lich_viet_nam_ve_dep_binh_di_cua_ban_sung_hoa_binh_6859253.jpg
Bản Sưng tại xã Cao Sơn (Đà Bắc, Hòa Bình) là bản đồng bào dân tộc Dao Tiền với nhiều giá trị văn hoá truyền thống vẫn được lưu giữ. Hiện bản Sưng là điểm đến trải nghiệm được du khách trong và ngoài nước ngoài yêu thích nhờ giữ được vẻ mộc mạc, hoang sơ của phong cảnh thiên nhiên với nhiều phong tục tập quán còn nguyên vẹn của đồng bào dân tộc Dao Tiền. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Theo Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc Lường Văn Thi, việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thời gian qua đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, góp phần thay đổi bộ mặt của nông thôn trên địa bàn huyện một cách toàn diện. Nhận thức đến hành động của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới đều đã có sự chuyển biến tích cực. Người dân đã phát huy được vai trò chủ thể, tự giác đầu tư, nâng cấp nhà cửa, đường làng, ngõ xóm và tình nguyện hiến đất, góp tiền, ngày công để xây dựng đường giao thông, hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, của cả hệ thống chính trị về Chương trình xây dựng nông thôn mới đã lan tỏa sâu rộng và rõ nét; cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, kinh tế - xã hội được quan tâm; các tiến bộ khoa học - kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.

vna_potal_gin_giu_nghe_det_tho_cam_bao_ton_net_van_hoa_dac_sac_cua_nguoi_dao_tien_tai_hoa_binh_6853369.jpg
Từ bao đời nay, nghề dệt thổ cẩm đã gắn liền với cuộc sống người Dao Tiền ở bản Sưng của xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc (Hòa Bình). Những mảnh vải thổ cẩm được bàn tay khéo léo của phụ nữ gửi gắm vào đó những nét đẹp của văn hóa của đồng bào dân tộc Dao Tiền. Hiện, người Dao Tiền ở bản Sưng vẫn giữ thói quen tự nhuộm, dệt cho mình những bộ trang phục truyền thống. Đồng thời, gìn giữ nghề dệt thổ cẩm gắn liền với phát triển du lịch tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương. Trong ảnh: Du khách trải nghiệm mặc trang phục Dao Tiền khi đến du lịch tạn bản Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc (Hòa Bình). Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Giải quyết các khó khăn, vướng mắc

Theo đánh giá của UBND huyện Đà Bắc, thời gian qua, các xã trong huyện đã tích cực, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với tinh thần tập trung và trách nhiệm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, huyện vẫn còn một số khó khăn như: Đà Bắc là huyện vùng cao, địa hình chia cắt, việc xây dựng các công trình rất tốn kém do thiếu mặt bằng dẫn đến khó triển khai các công trình. Ngoài ra, việc huy động nguồn lực trong nhân dân và nguồn lực đầu tư trực tiếp cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn rất hạn chế, trong khi hầu hết các xã rất cần được đầu tư để thực hiện các tiêu chí như: giao thông, thủy lợi, trường chuẩn quốc gia, cơ sở vật chất văn hóa, hỗ trợ phát triển sản xuất… Đây chính là trở ngại của huyện trong việc đưa các xã về đích nông thôn mới.

Tại xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc, có thể cảm nhận được sự đổi thay tích cực trong đời sống của người dân, đặc biệt là hạ tầng thiết yếu đã và đang được đầu tư ngày một đồng bộ. Tuy nhiên, xã mới đạt 15/19 tiêu chí, còn 4 tiêu chí chưa đạt gồm: cơ sở vật chất văn hóa, y tế, thu nhập và hộ nghèo. Trong đó, tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa vẫn gặp khó, trong khi nhà văn hóa trung tâm xã chưa được xây dựng, sân vận động xã chưa được bố trí kế hoạch vốn đầu tư năm 2024. Đối với tiêu chí về y tế, xã đang nỗ lực thực hiện chỉ tiêu về nâng cao tỷ lệ dân số có sổ khám, chữa bệnh điện tử.

Bí thư Đảng ủy xã Yên Hòa, ông Quách Công Khang cho biết, khó khăn nhất đối với xã Yên Hòa là tiêu chí về hộ nghèo. Theo bộ tiêu chí mới, để đạt tiêu chí này, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã phải giảm xuống dưới 13%. Trong khi đó, đến hết năm 2023, hộ nghèo của xã còn hơn 45% (20,8% hộ nghèo, hộ cận nghèo là 25,05%).

vna_potal_dong_rieng_cao_son_hoa_binh_vao_mua_thu_hoach_7106567.jpg
Thu hoạch củ dong riềng trồng tại xóm Sèo, xã Cao Sơn (Đà Bắc, Hòa Bình). Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc, Lường Văn Thi cho biết, thông qua Chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân huyện Đà Bắc không ngừng được nâng cao. Người dân tích cực hiến đất, cây cối và ủng hộ tiền, ngày công lao động để xây dựng các công trình phúc lợi. Tuy nhiên, thu nhập của người dân trên địa bàn các xã của huyện còn thấp, chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, việc đóng góp thực hiện xây dựng nông thôn mới còn hạn chế. Cùng với đó, các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn còn nhỏ lẻ, việc huy động nguồn lực gặp nhiều khó khăn. Do đó, huyện rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền trong tỉnh Hòa Bình để được tháo gỡ.

Vũ Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm