Chung sức xây dựng nông thôn mới theo hướng thông minh ở Tây Ninh

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Tây Ninh đang ngày càng đổi mới, đi vào chiều sâu. Tỉnh xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới phải gắn liền với thay đổi bộ mặt nông thôn, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

vna_potal_chuyen_doi_so_huong_toi_xay_dung_nong_thon_moi_thong_minh_tai_tay_ninh_7351051.jpg
Diện mạo xã Trường Đông có nhiều thay đổi, khởi sắc, cơ sở hạ tầng giao thông được phát triển. Ảnh: Minh Phú - TTXVN

Vùng nông thôn chuyển mình

Từng là một trong những địa phương thuần nông, đa số người dân sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành bắt tay xây dựng nông thôn mới từ năm 2017, với cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, đời sống người dân khá khiêm tốn. Đến năm 2023, xã Trường Đông thành công trong xây dựng nông thôn mới, được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Huỳnh Thiện Huấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trường Đông cho biết, nhờ Chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nhiều nông dân tại địa phương đã được tiếp cận khoa học, kỹ thuật, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, nâng cao năng suất, từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững.

Năm 2023, xã Trường Đông được Ủy ban nhân dân tỉnh chọn là một trong các xã điểm để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đảng bộ và nhân dân trong xã tập trung giữ vững 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xây dựng được một ấp nông thôn mới thông minh (ấp Trường Lưu) và phấn đấu đạt 3 tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu về hạ tầng điện, tiếp cận pháp luật và an ninh trật tự. Nhìn chung, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao, cơ sở hạ tầng giao thông phát triển, nhân dân đồng tình ủng hộ, hưởng ứng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trường Đông nhấn mạnh.

vna_potal_chuyen_doi_so_huong_toi_xay_dung_nong_thon_moi_thong_minh_tai_tay_ninh_7351057 (1).jpg
Lãnh đạo UBND xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành (bên trái) hướng dẫn người dân tiếp cận công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật chăm sóc cây hoa giấy ngũ sắc, cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Minh Phú - TTXVN

Anh Võ Ngọc Khánh, chủ vườn hoa giấy Khánh An, tại ấp Trường Lưu, xã Trường Đông cho biết, thời gian qua, chính quyền xã hỗ trợ người dân tiếp cận khoa học, kỹ thuật, khuyến khích bà con mạnh dạn chuyển đổi từ cây trồng không hiệu quả sang trồng cây nông nghiệp khác hiệu quả kinh tế cao. Năm 2022, anh mạnh dạn chuyển đổi 4.000 m2 đất trồng nhãn tiêu da bò kém hiệu quả để trồng và lai tạo trên 2.500 gốc hoa giấy giấy ngũ sắc. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, trong quá trình sản xuất anh đã tiết kiệm được nguồn nước, phân bón. Anh học hỏi và áp dụng kỹ thuật lai tạo giống mới, phù hợp thị hiếu của khách hàng. Địa phương khuyến khích, hỗ trợ anh và người dân mạnh dạn tiếp cận, mua bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Sản phẩm được đưa ra thị trường nhanh hơn, hiệu quả hơn. Từ đầu năm đến nay, anh Khánh cung ứng ra thị trường gần 1.000 gốc hoa giấy ngũ sắc, với giá từ 150 nghìn đồng đến 50 triệu đồng, thu về lợi nhuận trên 200 triệu đồng.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Nhiên (xã Trường Đông) là doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm bánh tráng siêu mỏng, bánh tráng trộn, bánh tráng không nhúng nước và muối Tân Nhiên. Ông Đặng Khánh Duy, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, sản phẩm bánh tráng Tân Nhiên hiện có mặt nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước thông qua hệ thống phân phối bán lẻ, siêu thị và sàn thương mại điện tử như, Shopee, Lazada, Tiki… Công ty vinh dự nhận chứng nhận “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023. Năm 2024, Công ty là một trong 6 doanh nghiệp ở Tây Ninh được bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn. Đây là niềm tự hào, góp phần khẳng định chất lượng, uy tín của sản phẩm mang thương hiệu Tân Nhiên, đồng thời là động lực để Công ty tiếp tục nỗ lực, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

vna_potal_chuyen_doi_so_huong_toi_xay_dung_nong_thon_moi_thong_minh_tai_tay_ninh_7351048.jpg
Người dân xã Trường Đông mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng cây cao su già cổi, kém hiệu quả, sang trồng cây nông nghiệp khác. Ảnh: Minh Phú - TTXVN

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Hòa Thành Dương Văn Ư thông tin, xã Trường Đông đã cứng hóa 100% các tuyến đường ấp, ngõ, xóm, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn ngày càng khang trang, sạch đẹp. Hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện, được nâng cấp đồng bộ theo hướng đa mục tiêu, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hệ thống điện đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và dân sinh. Hệ thống trường học các cấp được chú trọng đầu tư xây dựng… Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, đáp ứng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP được triển khai sâu rộng, đạt nhiều kết quả tích cực, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 88,8 triệu đồng/người/năm.

vna_potal_chuyen_doi_so_huong_toi_xay_dung_nong_thon_moi_thong_minh_tai_tay_ninh_7351059.jpg
Trụ sở UBND xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: Minh Phú - TTXVN

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

Ấp Trường Lưu, xã Trường Đông có 1.148 hộ dân, với 3.837 nhân khẩu và 39 tổ dân cư tự quản, phần lớn người dân trong ấp sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp. Theo ông Lê Văn Biểu, Trưởng ấp Trường Lưu: Trong năm qua, Ban Phát triển ấp tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như: Trên 50% hộ sản xuất, kinh doanh được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ năng quảng bá, mua bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, nền tảng số (Zalo, Facebook, Youtube...); hơn 50% người trưởng thành trong ấp có tài khoản thanh toán trực tuyến, có thể thanh toán các dịch vụ thiết yếu như, điện, nước, dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin, học phí. Trên địa bàn ấp có hạ tầng internet cáp quang và thông tin di động 4G/5G bao phủ đến từng hộ…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trường Đông Huỳnh Thiện Huấn thông tin, năm 2024, Trường Đông là xã duy nhất của Tây Ninh được chọn xây dựng xã nông thôn mới thông minh và Tây Ninh là một trong 6 tỉnh, thành phố trên cả nước được chọn thí điểm có xã xây dựng nông thôn mới thông minh.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân, để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu phải xây dựng ít nhất một ấp đạt tiêu chí ấp thông minh. Xã Trường Đông hoàn thành phát triển ấp Trường Lưu trở thành ấp thông minh và đã thành lập các tổ công nghệ cộng đồng hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ thông tin. Thời gian tới, xã cần tiếp tục giữ vững và duy trì tiêu chí đã đạt được, hướng đến xây dựng nhiều ấp thông minh, hỗ trợ người dân tiếp cận, áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất nhằm đảm bảo phát triển và tăng trưởng kinh tế theo hằng năm.

Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Chính quyền địa phương cần thường xuyên củng cố hệ thống tổ chức, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng; người dân tham gia tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới, vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng của chương trình, ông Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.

vna_potal_chuyen_doi_so_huong_toi_xay_dung_nong_thon_moi_thong_minh_tai_tay_ninh_7351052.jpg
Người dân thực hiện tra cứu thủ tục hành chính tại Uỷ ban nhân dân xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành. Ảnh: Minh Phú - TTXVN

Chủ trương của Đảng và Nhà nước là xây dựng nông thôn mới sao cho nông thôn ngày một văn minh, hiện đại, người dân có cuộc sống hạnh phúc, ngày càng thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Thời gian tới, tỉnh bám sát, thực hiện kiên trì theo mục tiêu đã đề ra để xây dựng nông thôn mới ngày càng thông minh, hiện đại.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến khẳng định, sau hơn 12 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần mang lại đổi thay nhanh chóng, rõ nét về diện mạo kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn. Bản sắc văn hóa truyền thống, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định.

Đến nay, Tây Ninh có 65 trong tổng số 71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Dự kiến, đến năm 2025, tỉnh sẽ hoàn thành các mục tiêu: 71 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100% số xã, trong đó, có 20 xã biên giới), 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 4 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Minh Phú

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm