Bình Dương: Áp dụng công nghệ phát triển nông thôn mới thông minh

Bình Dương đầu tư thêm gần 1.500 tỷ đầu tư cho giao thông kết nối vùng.Ảnh: TTXVN phát
Bình Dương đầu tư thêm gần 1.500 tỷ đầu tư cho giao thông kết nối vùng.Ảnh: TTXVN phát

Bình Dương đang áp dụng công nghệ và nhiều kế hoạch đồng bộ phát triển nông thôn mới theo hướng thông minh, tập trung thay đổi bộ mặt nông thôn trên cả ba tiêu chí về chính quyền, kinh tế, xã hội thông qua các giải pháp về công nghệ thông tin. Với mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Bình Dương có 70% số xã ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, quản lý trang trại, vùng trồng, tiếp cận thị trường,...

Bình Dương: Áp dụng công nghệ phát triển nông thôn mới thông minh ảnh 1Bình Dương đầu tư thêm gần 1.500 tỷ đầu tư cho giao thông kết nối vùng.Ảnh: TTXVN phát

Xã Bạch Đằng (thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) được lựa chọn là địa phương đầu tiên của tỉnh Bình Dương thực hiện "Đề án xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 kết hợp với triển khai mô hình thử nghiệm làng thông minh". Ban đầu, xã chủ yếu phát triển nông nghiệp, từ năm 2022, xã Bạch Đằng có sự thay đổi đáng kể, thu nhập bình quân cá nhân trên toàn xã đạt trên 76 triệu đồng/năm, cơ sở hạ tầng được thực hiện đầu tư đồng bộ và mạnh mẽ, mang lại diện mạo mới của xã nông thôn mới.

Ông Nguyễn Minh Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) cho biết, đến nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng công trình Cầu Bạch Đằng 2. Hệ thống mạng lưới giao thông ấp liên kết với 37 tuyến đường đã được nâng cấp thành đường bê tông hoặc đường nhựa và được trồng thêm hoa, cây xanh hai bên đường, tạo cảnh quan tươi đẹp.

Ngoài ra, xã còn phát triển vườn bưởi VietGAP, có áp dụng hệ thống tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm đảm bảo chất lượng và nguồn gốc. Đồng thời, xã cũng đã tiến hành đầu tư mạng điện chiếu sáng tiết kiệm năng lượng bằng đèn led trên một số tuyến đường, nhiều điểm wifi công cộng cũng được lắp đặt giúp cung cấp dịch vụ kết nối Internet cho người dân nhanh chóng truy cập tiếp cận thông tin mới.

Xã cũng đã phát triển được 1 sản phẩm OCOP 3 sao đối với trái bưởi đường. Ngoài ra, xã cũng đang triển khai 2 đề tài cấp cơ sở là xây dựng mô hình canh tác rau theo hướng hữu cơ và áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử áp dụng trên địa bàn xã Thạnh Hội, mô hình canh tác lúa theo hướng hữu cơ, áp dụng truy xuất nguồn gốc điện tử và liên kết tiêu thụ sản phẩm tại thị xã áp dụng trên địa bàn xã Bạch Đằng.

Bình Dương: Áp dụng công nghệ phát triển nông thôn mới thông minh ảnh 2Trang trại bưởi da xanh rộng 20ha ở huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương. Ảnh: Huyền Trang-TTXVN

Hiện nay Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương cũng đang quản lý một số đề tài nghiên cứu nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới điển hình như: Đề tài nghiên cứu xây dựng quy trình tưới tiết kiệm nước có hiệu quả cao cho một số cây ăn quả chủ lực (bưởi, cam, quýt) trên địa bàn tỉnh Bình Dương; đề tài nghiên cứu phát triển mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao theo định hướng phát triển làng thông minh.

Đến nay, Bình Dương hoàn thành 100% xã nông thôn mới (41/41 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 29/41 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao) các xã đang tiếp tục đầu tư nâng chất các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương cho biết, qua hơn 3 năm triển khai, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Qua đó, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Với sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân, đến nay toàn tỉnh đã có 103 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên; trong đó, có 93 sản phẩm đạt 3 sao và 10 sản phẩm đạt 4 sao của 60 chủ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, tổ hợp tác,... Việc xây dựng và thực hiện Chương trình OCOP giúp các địa phương nâng cao thu nhập và thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới.

Trong giai đoạn tiếp theo, Bình Dương đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có 100% (41/41 xã) số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hoàn thành xây dựng thí điểm "Làng thông minh" trên địa bàn xã Bạch Đằng (thành phố Tân Uyên) và nhân rộng đối với các xã còn lại, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020; hoàn thành việc thực hiện thí điểm Đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện đối với Bàu Bàng và nhân rộng đối với các địa bàn còn lại, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương.

Bình Dương: Áp dụng công nghệ phát triển nông thôn mới thông minh ảnh 3Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương nằm trong khu vực Thành phố Mới, phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một. Ảnh: Nguyễn Văn Việt-TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ông Mai Hùng Dũng cho rằng, việc xây dựng nông thôn mới là một quá trình thường xuyên, lâu dài. Các ban ngành, đoàn thể cần có sự phối hợp nhịp nhàng và chặt chẽ. Với tổng vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2023 trên 6.408 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách chiếm 49%, các nguồn vốn huy động, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp và vốn đóng góp của cộng đồng dân cư chiếm 51%.

Ông Dũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn; thực hiện hiệu quả các đề án/chương trình chuyên đề trọng tâm để xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu như chương trình khoa học công nghệ, chương trình chuyển đổi số hướng tới nông thôn mới thông minh, chương trình OCOP...; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, nhất là đưa phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới " giai đoạn 2021 - 2025 và Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Đồng thời, thực hiện hiệu quả việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, chú trọng và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.

Song song đó, UBND các huyện, thị xã tập trung rà soát, đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử; tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Huyền Trang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm