Trong tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự khởi công dự án Khu công nghiệp Việt Nam –Singapore 3 tại tỉnh Bình Dương và chứng kiến lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn LEGO đầu tư dự án hơn 1 tỷ USD vào khu công nghiệp này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Bình Dương cần nâng cấp hệ thống khu công nghiệp phát triển sau này trở thành khu công nghiệp xanh, thành những hệ sinh thái công nghiệp “thế hệ mới” thu hút các dự án sản xuất công nghiệp tạo ra giá trị kinh tế cao, ít thâm dụng lao động và hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.
Chuyển đổi kịp xu hướng
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Becamex IDC, từ năm 2016, tỉnh Bình Dương đã chọn bước đi xây dựng thành phố thông minh với cốt lõi làm sao tạo ra cho được giá trị gia tăng mới. Việc định hướng chiến lược này phù hợp với xu hướng của thế giới và qua đó việc Tập đoàn LEGO lựa chọn đầu tư vào Bình Dương được cho là phù hợp với thời điểm.
Trước đây, Bình Dương thu hút các dự án với quan tâm chủ yếu giải quyết việc làm, nhưng ngày nay các khu công nghiệp đang dần chuyển mình tạo được hệ sinh thái thu hút các dự án đầu tư tạo giá trị kinh tế cao, ít thâm dụng lao động hơn.
Tỉnh Bình Dương chọn thành phố thông minh để từng bước xây dựng 5 lớp hệ sinh thái; trong đó lớp nhân lực quan trọng nhất nhằm đáp ứng xu hướng công nghệ 4.0 và sự đòi hỏi ngày càng cao nhu cầu các dự đầu tư của “thế hệ mới” và để đáp ứng như dự án của Tập đoàn LEGO với vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD.
Trong khi đó, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, tỉnh tiếp tục quán triệt và nâng cao nhận thức về quan điểm thu hút đầu tư nước ngoài theo Nghị quyết số 58/NQ-CP Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Đặc biệt là mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế-xã hội của Đảng bộ tỉnh trong kỳ 2020-2025 “về tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động. Đồng thời, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân gắn với chăm lo, xây dựng và phát triển con người theo hướng văn minh, tiến bộ.
Cùng với đó, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, chất lượng cuộc sống của nhân dân, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường đối ngoại; phấn đấu xây dựng Bình Dương trở thành đô thị công nghiệp, dịch vụ phát triển theo hướng thông minh và bền vững.
Theo đó, tỉnh lập quy hoạch các khu công nghiệp phải chú trọng các vấn đề bảo vệ môi trường, công trình phúc lợi, nhà ở công nhân; hệ thống hạ tầng giao thông, kết nối trong địa bàn tỉnh và đặc biệt là kết nối với các khu vực bên ngoài, các tỉnh, thành phố lân cận, các cảng biển, cảng hàng không trong khu vực, đảm bảo thông suốt trong quá trình kết nối đến các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Đồng thời nâng cấp, chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công ngiệp hỗ trợ, sinh thái, khu công nghiệp “thế hệ mới” phát triển xanh gắn với đô thị, dịch vụ phù hợp với định hướng phát triển thông minh từ này đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cần tăng tốc mạnh mẽ hơn
Theo ông Bùi Minh Trí, Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, để tăng sức cạnh tranh, tỉnh Bình Dương đang tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp ngày càng hiện đại; sớm hình thành khu công nghiệp khoa học công nghệ. Tỉnh tiếp tục chuyển đổi công năng, di dời các doanh nghiệp vào các khu công nghiệp. Trong giai đoạn tới, việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương sẽ có sự chuyển biến tích cực, thực chất hơn, chọn lọc hơn theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh để tạo sức hút mới.
Trưởng Ban các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết thêm, hiện một số khu công nghiệp đóng vai trò to lớn trong việc hình thành các chuỗi giá trị. Các khu công nghiệp đã hình thành nên liên kết ngành và chuỗi giá trị như sản xuất sợi, dệt nhuộm vải, hoàn thiện sản phẩm vải để sản xuất sản phẩm may mặc (Công ty Sợi Thiên Nam, Kyung Bang, Polytex Far Eastern …); sản xuất phụ tùng, linh kiện xe đạp để lắp ráp hoàn chỉnh xe đạp (Công ty Asama, DDK, SR Suntour, Active ..), nguyên phụ liệu như keo, đế giày, da, mũ giày … cho sản suất giày, dép; từng bước hình thành vùng sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành chế biến đồ gỗ.
Tính đến nay, các khu công nghiệp đã có 2.432 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đạt tỷ lệ 80% số dự án còn hiệu lực. “Tuy nhiên, những đóng góp quan trọng vào thành phần phát triển kinh tế chủ lực cho tỉnh Bình Dương là chưa bền vững, bởi còn một số tồn tại, hạn chế. Chưa có sự đổi mới mô hình phát triển khu công nghiệp chuyên ngành, hình thành các cụm sản xuất liên kết, nhất là ngành có giá trị gia tăng cao, như cơ khí, điện, điện tử. Việc đầu tư mở rộng các khu công nghiệp còn khó khăn, vướng mắc, nên so với mục tiêu đề ra, tỉnh chưa đạt về số lượng và quy mô diện tích khu công nghiệp. Việc thực hiện chủ trương chuyển đổi công năng các khu công nghiệp ở phía Nam theo hướng sử dụng ít thâm dụng lao động, công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường còn chậm, chưa rõ nét”. Ông Trí cho hay.
Vài trò của khu công nghiệp
Tỉnh Bình Dương chính thức được tách ra từ tỉnh Sông Bé năm 1997; sau 25 năm lập tỉnh, Bình Dương đã có nhiều đổi khác, chuyển mình từ một tỉnh thuần nông trở thành một tỉnh phát triển về công nghiệp thuộc hàng tốt nhất trong khu vực và cả nước.
Cụ thể, khi mới tái lập tỉnh năm 1997, quy mô kinh tế của tỉnh chỉ đạt 3.919 tỷ đồng với tỷ trọng các ngành nông nghiệp - công nghiệp – dịch vụ trong cơ cấu kinh tế lần lượt chiếm tỷ lệ 22,8% - 50,4% - 26,8%.
Trong quá trình hình thành và phát triển, với việc thu hút các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp đã góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mặt khác, sự hình thành các khu công nghiệp đã thu hút, thúc đẩy các loại hình dịch vụ phát triển.
Nếu như năm 1997, Bình Dương chỉ có 6 khu công nghiệp với diện tích quy hoạch 800 ha thì tính đến cuối năm 2021 toàn tỉnh đã thành lập được 29 khu công nghiệp, với tổng diện tích quy hoạch 12.662 ha; trong đó, có 27 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 10.962 ha, các khu công nghiệp đã cho thuê đất với tổng diện tích 6.695 ha, tỷ lệ lấp đầy hơn 88%.
"Công nghiệp hóa" đã kéo theo cơ sở hạ tầng của Bình Dương ngày càng được hoàn thiện với chất lượng cao, các khu công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, đan xen với những khu đô thị cao cấp phục vụ các chuyên gia và những khu nhà ở xã hội phục vụ những người có thu nhập thấp. Tổng hòa về mô hình phát triển của Bình Dương trở thành một mô hình kiểu mẫu tại Việt Nam và đã được lan tỏa ra nhiều tỉnh thành trong cả nước thông qua các doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh.
Trong những năm trở lại đây, bằng nhiều nỗ lực, Bình Dương đang ngày càng đóng góp nhiều hơn trong tăng trưởng chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Là một trong 4 tỉnh thành trong Vùng điều tiết về ngân sách trung ương, Bình Dương cùng Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu đóng góp hơn 91,7% tổng thu ngân sách của Vùng và 37% tổng thu ngân sách cả nước; trong đó, Bình Dương đóng góp khoảng 10% của Vùng và 4% cả nước.
Năm 2021, mặc dù là tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng tăng trưởng tổng sản phẩm của tỉnh vẫn đạt mức 2,62%, đây là mức tăng trưởng tích cực nhất trong tứ giác kinh tế phía Nam. Kim ngạch xuất khẩu chiếm 24,6% cả vùng và 10% cả nước; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đạt kết quả khả quan, trong năm tỉnh đã thu hút được 2,7 tỷ USD. Qua đó, lũy kế đến nay toàn tỉnh đã thu hút được 37,7 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước sau Thành phố Hồ Chí Minh.
Chí Tưởng