Xác định chuyển đổi số là động lực trong phát triển, thành phố Đà Nẵng luôn quan tâm đến việc quá trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng đến nông thôn thông minh tại huyện Hòa Vang.
Huyện Hòa Vang phấn đấu đến năm 2025, tất cả xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện 11/11 xã của huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2015. Nhằm phát triển đồng bộ, toàn diện huyện luôn chú trọng công tác chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng Lê Sơn Phong cho hay, huyện Hòa Vang đã triển khai mạng internet không dây (wifi) miễn phí tại trung tâm các xã, các điểm sinh hoạt văn hóa công cộng và chợ Túy Loan. Hạ tầng băng rộng cáp quang tốc độ cao được kết nối đến tất cả các hộ dân; phủ sóng điện thoại di động thế hệ mới 3G, 4G tới tất cả khu vực nông thôn.
Huyện đang sử dụng nhiều cơ sở dữ liệu dùng chung khác nhau gồm: cơ sở dữ liệu đất đai, cơ sở dữ liệu học bạ điện tử, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu hộ kinh doanh cá thể, cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý nhà nước huyện, cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý nhà nước tại 3 xã Hòa Bắc, Hòa Ninh và Hòa Phước. UBND huyện và 11 xã đã công bố 29 bộ dữ liệu trên Cổng dữ liệu thành phố.
Huyện Hòa Vang có 122 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 51 dịch vụ công trực tuyến một phần, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến của huyện trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 96% (năm 2022 đạt 65%). Tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến các xã 6 tháng đầu năm 2023 đạt 98%, có 96,5% hồ sơ được giải quyết đúng, sớm hạn; kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 72%.
Đối với kinh tế số, huyện đã áp dụng hóa đơn điện tử cho 100% hộ, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế; triển khai mô hình Chợ thanh toán không dùng tiền mặt thí điểm tại chợ Túy Loan, bước đầu đã hỗ trợ mở tài khoản ngân hàng miễn phí cho 100 hộ tiểu thương. Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai tại Trung tâm Y tế huyện và 100% trường học trên địa bàn huyện. Đặc biệt huyện đã tập huấn, hỗ trợ đưa 25 sản phẩm nông nghiệp của 3 xã Hòa Ninh, Hòa Phước và Hòa Bắc lên sàn thương mại điện tử Postmart.
Huyện đã hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng mã vạch, mã QR code truy xuất nguồn gốc, tờ rơi thông tin quảng bá và tư vấn về thông tin nhãn mác cho 8 sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2022; tuyên truyền các chủ thể OCOP đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, các trang thương mại điện tử...) để mở rộng thị trường kinh doanh. Cùng với đó, huyện khuyến khích, vận động các cơ sở sản xuất nông nghiệp trên địa bàn áp dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, trong đó có một cơ sở ứng dụng công nghệ 4.0 quản lý qua APP (nông trại Afarm tại xã Hòa Phú). Huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến ngư nông lâm tổ chức giới thiệu, trình diễn thiết bị bay không người lái phun phân bón lá hữu cơ tại xã Hòa Châu và Hòa Tiến.
Huyện Hòa Vang hiện có khoảng 85% người dân trong độ tuổi trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh. Vì vậy, huyện tích cực triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp mã ID cá nhân. Đến nay 11/11 xã triển khai phần mềm Hồ sơ quản lý sức khỏe; 93,5% người dân có mã ID y tế duy nhất và hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân; 100% học sinh có mã ID và hồ sơ học bạ điện tử. Huyện có khoảng 18.000 công dân được cấp định danh điện tử VNeID mức 2 (khoảng 21% số dân trong độ tuổi trưởng thành).
Hướng đến mục tiêu thực hiện chuyển đổi số khu vực nông thôn mới đạt hiệu quả cao, theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lê Sơn Phong, huyện Hòa Vang phấn đấu mỗi hộ dân có 1 điện thoại thông minh để tiếp cận các dịch vụ số do chính quyền và doanh nghiệp cung cấp; đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống đài truyền thanh huyện, xã, có cụm loa đến 100% thôn; hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật, số hóa đáp ứng yêu cầu sản xuất sản phẩm truyền thông đa phương tiện của cơ sở truyền thanh, truyền hình huyện.
Bên cạnh đó, huyện sẽ đẩy mạnh số hóa, xây dựng dữ liệu số, nền tảng số trong xây dựng nông thôn mới như: xây dựng bản đồ số về nông nghiệp, nông thôn, nông dân để chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở; xây dựng bản đồ số về du lịch nông thôn để kết nối, giới thiệu và quảng bá sản phẩm du lịch địa phương; định danh (cá thể hóa) các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ độc lạ, hiếm của các xã, thôn; số hóa, đưa các sản phẩm tiêu biểu của địa phương lên các nền tảng, sàn thương mại điện tử để tăng giá trị sản phẩm, tiếp cận và mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
Võ Văn Dũng