Bình Phước: Thúc đẩy ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp

Bình Phước đang thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực nhằm đảm bảo sức khỏe cây trồng, nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và gia tăng đa dạng sinh học. Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp với nhiều vấn đề quan trọng như: sức khỏe đất, nước, phát thải khí nhà kính; sử dụng hiệu quả vật tư sản xuất nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe con người; nâng cao nhận thức cho người nông dân về sức khỏe cây trồng.

vna_potal_nang_han_keo_khien_hang_ngan_hecta_cay_trong_tai_binh_phuoc_chet_mon_7335180.jpg
Nắng hạn kéo dài khiến nhiều diện tích cây trồng ở xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước bị chết khô. Ảnh: TTXVN phát

Cùng với đó, tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; trang bị và cập nhật kiến thức từ khâu sản xuất đến thương mại nhằm đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và bền vững môi trường thông qua tăng cường năng lực của hệ thống bảo vệ thực vật.

Theo đó, Bình Phước phấn đấu đến năm 2030 có 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng. 90% nông dân được tuyên truyền và nắm vững các nguyên tắc trong IPHM để áp dụng vào sản xuất; mỗi xã có ít nhất 1 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng và 5 nông dân IPHM nòng cốt.

Bình Phước phấn đấu có 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, ứng dụng IPHM; cây công nghiệp đạt 70% diện tích ứng dụng IPHIM, trên những diện tích ứng dụng giảm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật và 30% lượng phân bón hóa học; trên 90% số xã thực hiện thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật, bao bì phân bón sau sử dụng dụng theo quy định.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh, để đạt được mục tiêu, địa phương ứng dụng công nghệ số trong truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho các cấp, các ngành và cộng đồng về IPHM; phổ biến các hình thức sinh hoạt cộng đồng (sinh hoạt câu lạc bộ, hợp tác xã, hội thảo đầu bờ, các buổi tọa đàm đầu vụ, tập huấn...) để người sản xuất trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tương tác với các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng IPHM và khả năng tiếp cận thị trường.

Cùng đó, tỉnh lồng ghép tuyên truyền, phổ biến IPHM trong thực hiện các gói giải pháp kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng" (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm; tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế), "1 phải, 5 giảm" (phải sử dụng giống lúa xác nhận; giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân đạm, giảm lượng nước, giảm thất thoát sau thu hoạch); giảm giá thành sản xuất, sản xuất an toàn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ...Ở góc độ quản lý ngành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Phạm Thụy Luân cho biết, tỉnh xây dựng mô hình ứng dụng IPHM làm cơ sở để nhân rộng ứng dụng IPHM trong thực tế sản xuất, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; tăng cường mở rộng ứng dụng kỹ thuật giảm giá thành trong sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm phát thải khí nhà kính.

Mặt khác, tỉnh triển khai đồng bộ các hoạt động ứng dụng IPHM từ tỉnh đến huyện, xã; huy động sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức, các doanh nghiệp, hợp tác xã... gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; nhân rộng mô hình "Nông dân hướng dẫn nông dân" thông qua thực nghiệm ứng dụng IPHM thực tế trên đồng ruộng.Cũng theo ông Phạm Thuỵ Luân, tỉnh ứng dụng các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương để chủ động phòng chống sinh vật gây hại; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhân giống sạch bệnh để phục vụ sản xuất; công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật, tác nhân sinh học phòng chống sinh vật gây hại, phân bón vi sinh.

Ngoài ra, địa phương còn ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, điều tra phát hiện, dự tính dự báo để phòng chống sinh vật gây hại trên cây trồng; ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ để bảo vệ sức khỏe đất, nguồn nước, giảm phát thải khí nhà kính….

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm