Ngày 22/10, tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, Khu bảo vệ cảnh quan Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã được công bố thành lập nhằm mục tiêu bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, các loài động thực vật hoang dã hiện có, bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái rừng.
Tổng diện tích Khu bảo vệ cảnh quan Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn rộng hơn 1.160 ha, trong đó có hơn 1.100 ha rừng tự nhiên, thuộc hai xã Duy Phú và Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Hiện nay, các cánh rừng thuộc Khu bảo vệ cảnh quan Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn có 37 loài thú sinh sống, đặc biệt còn tồn tại một số loài thú quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam như: Cu li lớn, Tê tê Zava, Mèo rừng, Cầy hương…. Rừng ở đây có 238 loài thực vật, thuộc 18 chi, 82 họ là những đơn vị cấu thành nên hệ thực vật Việt Nam, trong đó có một số loài nguy cấp, đe dọa bị tuyệt chủng cần được bảo tồn như Chò đen, Giền trắng, Thành ngạnh nam, Thành ngạnh dẹp...
Theo phê duyệt của UBND tỉnh Quảng Nam, Khu bảo tồn này sẽ là tài nguyên du lịch sinh thái, là vùng thiên nhiên đa dạng để phát triển các loại hình du lịch như leo núi, thăm thú cảnh quan, các mô hình bảo tồn các loại thú quý hiếm, thảm thực vật đặc trưng, đồng thời làm cơ sở cho việc xây dựng các dự án đầu tư nhằm phát triển khu rừng bảo vệ cảnh quan, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa Mỹ Sơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Dự kiến, giai đoạn 2020-2025, Khu bảo vệ cảnh quan Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn sẽ được đầu tư trên 96 tỷ đồng, bao gồm vốn từ các doanh nghiệp đầu tư du lịch trong khu bảo vệ cảnh quan, một phần vốn từ ngân sách Nhà nước để thực hiện các chương trình quản lý, bảo vệ và phát triển, phục hồi sinh thái rừng, giáo dục môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn là di tích hết sức đặc biệt bởi không chỉ là quần thể công trình kiến trúc đền tháp mà còn gắn với vùng cảnh quan độc đáo xung quanh. Những thực thể núi, sông, suối nơi đây đều có giá trị về văn hóa, kiến trúc, tôn giáo, tạo nên trung tâm tôn giáo quan trọng bậc nhất của vương quốc Chămpa. Trải qua các giai đoạn lịch sử hàng ngàn năm, vùng cảnh quan không gian rộng lớn này đến nay vẫn giữ được những giá trị về địa hình, thiên nhiên, cảnh sắc, đặc biệt là đã hình thành khu rừng nguyên sinh của vùng nhiệt đới, những hệ sinh thái đặc trưng, những nguồn gen động, thực vật quý hiếm mang giá trị quốc gia và quốc tế.
Đoàn Hữu Trung