Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020 các chợ trên địa bàn đảm bảo an toàn thực phẩm

Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020 các chợ trên địa bàn đảm bảo an toàn thực phẩm
Chợ Hón ở xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa bán hải sản. Ảnh : cattour.vn
Chợ Hón ở xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa 
bán hải sản. Ảnh : cattour.vn 
Cụ thể, tỉnh phấn đấu đến hết năm 2019 xây dựng được 168 chợ đạt chuẩn kinh doanh thực phẩm, trong đó có 2 chợ hạng I, 166 chợ hạng II và hạng III. Đến hết năm 2020, tỉnh có thêm 190 chợ đạt chuẩn kinh doanh thực phẩm, trong đó 4 chợ hạng I, 186 chợ hạng II và hạng III, đạt 100% số chợ trong tỉnh đạt chuẩn kinh doanh thực phẩm. Để thực hiện mục tiêu trên, Văn phòng điều phối về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tham mưu UBND tỉnh mua sắm trang thiết bị kiểm tra nhanh tại hiện trường cho các sở, ban, ngành, địa phương phục vụ công tác kiểm soát thực phẩm trước khi đưa vào kinh doanh tại các chợ. Sở Công Thương hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác các chợ, thành lập Ban quản lý chợ, Tổ giám sát an toàn thực phẩm. Qua đó hướng dẫn, chỉ đạo các Ban quản lý chợ cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ kinh doanh, bảo quản thực phẩm cho cơ sở kinh doanh thực phẩm trong chợ. Cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tập huấn, xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho Ban Quản lý chợ, Tổ giám sát an toàn thực phẩm, các cơ sở kinh doanh trong chợ. Cùng với đó là tổ chức cho các tiểu thương ký cam kết bán thực phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm. Ban quản lý chợ thường xuyên kiểm soát chặt các sản phẩm thực phẩm trước khi đưa vào kinh doanh trong chợ như, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ (tên loại sản phẩm, số lượng, tem nhãn, hóa đơn, sổ ghi chép mua bán, giấy xác nhận nguồn gốc xuất xứ đối với sản phẩm). Khi phát hiện thực phẩm nghi ngờ không đạt chuẩn về an toàn thực phẩm, Ban quản lý chợ sẽ test nhanh sản phẩm thực phẩm và gửi mẫu đến đơn vị kiểm nghiệm. Ông Hà Văn Giáp, Phó Chánh văn phòng điều phối về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Thanh Hóa cho biết: Để xây dựng các chợ an toàn thực phẩm, Văn phòng sẽ phối hợp với đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, định kỳ tại các chợ. Nếu phát hiện tiểu thương, đơn vị vi phạm bày bán thực phẩm không đảm bảo an toàn sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Văn phòng cũng đẩy mạnh tuyên truyền, in ấn, treo biển về đường dây nóng tiếp nhận phản ánh vi phạm an toàn thực phẩm tại các chợ qua số điện thoại 02373.961.81 và địa chỉ phần mềm kết nối cung cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tại các chợ, giúp tiểu thương lựa chọn để bày bán. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực hiện xóa bỏ và cương quyết không để xảy ra tình trạng tái chiếm hoạt động trở lại của các chợ cóc, chợ tự phát không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm. Tỉnh Thanh Hóa cũng chủ động rà soát, đề xuất xóa bỏ, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chợ phù hợp với nhu cầu thực tế tại địa phương.
Trịnh Duy Hưng

Có thể bạn quan tâm