Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa diễn biến ngày càng phức tạp, nước sông đã xâm thực sâu vào đất sản xuất, gây ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được xác định hiện có 50 vị trí và các khu vực sạt lở nguy hiểm, khi xảy ra mưa lớn bất thường sẽ làm tăng nguy cơ sạt lở bờ sông, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, công trình, tài sản của người dân; trong đó, giai đoạn 2021-2025 có 35 công trình, vị trí cần được ưu tiên xử lý, khắc phục khẩn cấp.
Huyện Vĩnh Lộc là địa phương có sông Mã qua với chiều dài khoảng 20 km. Theo chiếc thuyền của người dân đi một vòng dọc bờ sông Mã đoạn qua địa bàn xã Vĩnh Yên sẽ được chứng kiến bãi bồi sát mép có nhiều đoạn sạt lở và ăn sâu vào bãi sông. Riêng đoạn bãi sông thuộc các thôn Yên Tôn Hạ, thôn Phù Lưu đã bị nước sông ăn sâu vào từ 30-40m.
Tương tự, tại các xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Khang, thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Vĩnh Lộc) cũng xảy ra các hiện tượng bờ sông bị sạt lở. Các khu vực sạt lở hầu hết là bãi bồi được nhân dân sử dụng canh tác trồng hoa màu, có những đoạn mép sạt cách chân đê chỉ từ 150-200m.
Theo thống kê của UBND huyện Vĩnh Lộc, hiện tại trên địa bàn huyện có 18 vị trí có nguy cơ bị xảy ra sạt lở bờ sông; trong đó có 3 vị trí nguy cơ cao. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, đã có hàng chục ha đất "bờ xôi, bãi mật" sản xuất nông nghiệp của người dân dọc 2 bờ sông Mã thuộc các xã nói trên bị sạt lở, cuốn trôi hoa màu xuống dòng sông. Hàng trăm hộ dân ở khu vực ven sông có khả năng bị ảnh hưởng nếu không khắc phục kịp thời tình trạng sạt lở.
Sống ven sông Mã hơn 70 năm nay, ông Trần Đình Hồ (khu phố Thành Nhân, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc) vô cùng bất an khi tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra ngày càng nhanh làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của cả gia đình ông. Sạt lở làm cho bãi bồi bị mất chân, nước lồng vào gần bờ khiến bức tường bao quanh vườn của gia đình ông cũng như nhiều gia đình xung quanh bị sụt lún, nứt vỡ… Nỗi lo này càng thường trực hơn trong mùa mưa bão.
Ông Trần Đình Hồ cho biết, trước đây, bờ sông nằm xa ở ngoài hàng trăm mét, trước ngôi nhà gia đình tôi đang ở là một bãi bồi trù phú. Giờ do sạt lở mỗi năm mỗi nhiều nên vườn nhà tôi giờ chỉ cách bờ sông bây giờ không đáng kể. Gần 50 hộ dân xung quanh xóm này cũng ở trong tình trạng tương tự. Nếu chính quyền không sớm triển khai các biện pháp chống sạt lở giúp dân thì sớm muộn gì nhà cửa, đất đai, đường đi sẽ trôi xuống sông hết.
Không riêng gì gia đình ông Hồ, ông Trịnh Văn Vượng (thôn Thượng, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc) cũng không khỏi lo lắng khi việc sạt lở bờ sông làm ảnh hưởng đến diện tích đất bãi bồi trồng hoa màu của gia đình. Ông Vượng chia sẻ, hiện tượng sạt lở xảy ra thường xuyên, nhất là vào mùa mưa lũ, nước xoáy vào bãi vào bờ khiến người dân rất bất an. Đề nghị cấp thẩm quyền sớm xây dựng bờ kè bê tông bảo vệ đất các công trình cho người dân yên tâm sinh sống - ông Vượng đề xuất.
Theo đánh giá của các đơn vị chuyên môn, nguyên nhân dẫn tới tình trạng sạt lở kể trên ở huyện Vĩnh Lộc là do sự thay đổi dòng chảy, dòng chảy phía bờ hữu sông Mã có xu hướng bị bồi lấp, trong khi dòng chủ lưu áp sát phía bờ tả gây hiện tượng sạt lở bờ sông. Tuy nhiên cũng không thể không nhắc đến hoạt động khai thác cát sỏi quá mức hoặc trái phép trên sông cũng khiến tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng hơn. Huyện Vĩnh Lộc được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác đối với 8 mỏ cát, trên địa bàn hiện có hàng chục bãi cố định và bãi tạm tập kết cát dọc hai bên bờ sông Mã.
Để đảm bảo an toàn đối với người và tài sản của Nhà nước và nhân dân, từ năm 2015 đến nay, huyện Vĩnh Lộc đã đầu tư xây dựng 4 tuyến kè bờ sông Mã, sông Bưởi để phòng chống thiên tại, hạn chế sạt lở, ổn định đời sống nhân dân. Đồng thời thực hiện các chế tài mạnh tay đối với các doanh nghiệp, đơn vị khai thác cát sỏi bờ sông như yêu cầu chủ mỏ phải công khai thời gian khai thác, sản lượng khai thác, số phương tiện, biển báo, mốc mỏ để nhân dân tham gia giám sát. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý các chủ mỏ, chủ bãi tập kết cát không tuân thủ pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát…
Ông Trịnh Xuân Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc khẳng định, thời gian qua, huyện Vĩnh Lộc rất quyết liệt trong việc điều hành, chỉ đạo khai thác tài nguyên khoáng sản nhất là khai thác cát sỏi lòng sông. Quan điểm của huyện là đối với các doanh nghiệp, đơn vị khai thác cát, sỏi phải đảm bảo quy định của pháp luật khoáng sản. Nếu doanh nghiệp nào khai thác trái phép, làm ảnh hưởng đến dòng chảy, gây sạt lở bờ sông, để nhân dân tố giác phát hiện khai thác cát trái phép ngoài mốc giới mỏ, ngoài ranh giới UBND huyện sẽ báo cáo UBND tỉnh đề xuất thu hồi mỏ. Đối với 3 vị trí sạt lở nguy cơ cao tại xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Hòa và thị trấn Vĩnh Lộc, UBND huyện đề nghị các cấp quan tâm đầu tư, hỗ trợ xây bờ kè để đảm bảo an toàn cho người dân.
Còn tại thị trấn Quý Lộc (huyện Yên Định), do ảnh hưởng của mưa, lũ và khai thác cát vượt gấp nhiều lần công suất mỏ vài năm trở lại đây, nhiều diện tích đất canh tác, hoa màu của người dân dọc bờ sông Mã đang bị sạt lở mỗi ngày, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.
Thị trấn Quý Lộc có chiều dài đường bờ sông 10,5 km, mới được kè 3,5 km bờ sông, hiện đoạn còn lại sạt lở rất nhiều. Nếu không sớm xây dựng bờ kè chống sạt lở tại khu vực này, những diện tích đất nông nghiệp còn lại có nguy cơ sẽ tiếp tục bị sạt xuống dòng sông. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Yên Định còn có 3 vị trí sạt lở bờ sông rất nghiêm trọng tại xã Yên Thái và xã Định Hải rất cần khắc phục khẩn cấp trong thời gian sớm nhất.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Yên Định cho biết, việc sạt lở bờ sông Mã đoạn qua địa bàn huyện xảy ra tại nhiều vị trí và diễn biến rất phức tạp nhất là trong mùa mưa lũ. Để khắc phục, UBND huyện và các địa phương đã cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm, đồng thời dùng máy múc bạt taluy, đóng cọc tre để hạn chế sạt lở, nhưng về lâu dài rất mong được tỉnh bố trí kinh phí kè bê tông các địa điểm này để đảm bảo an toàn, tính mạng cho nhân dân.
Không chỉ sạt lở bờ sông mà tình trạng sạt lở bờ biển cũng khá phức tạp trong những năm gần đây ở các địa phương ven biển của tỉnh Thanh Hóa. Với hơn 100km bờ biển, 6 huyện, thị xã, thành phố ven biển ở Thanh Hóa cũng bị tình trạng sóng biển, triều cường xâm thực gây sạt lở bờ biển, uy hiếp nhiều khu dân cư. Gần đây nhất, triều cường, sóng to do ảnh hưởng của các cơn bão và áp thấp nhiệt đới từ tháng 7 đến tháng 10/2022 đã khiến nước biển xâm thực mạnh vào đất liền ở thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa) gây sạt lở nhiều công trình của người dân, đất nuôi trồng thủy sản, đất rừng sản xuất...
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phải ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở, xâm thực bờ biển tại khu vực này. Hiện tượng tương tự này cũng đang xảy ra tại xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương), xã Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa)...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông Thanh Hóa, nhằm khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, giảm thiểu rủi ro thiên tai, góp phần khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, hiện tỉnh Thanh Hóa đang gấp rút triển khai thực hiện "Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030"; trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành đồng thời tăng cường tuyên truyền để các cấp, ngành, tổ chức và nhân dân nắm được tầm quan trọng của việc phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa đã và đang bố trí gần 550 tỷ đồng từ ngân sách cùng các nguồn huy động hợp pháp khác để tổ chức di chuyển 2.846 hộ dân khỏi khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến nơi ở mới an toàn, ổn định.
Trước những diễn biến thời tiết khó lường như hiện nay, việc tỉnh Thanh Hóa chủ động phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển là rất cần thiết, giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra thiên tai.
Hoa Mai