Rừng luồng huyện Quan Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Chứng nhận FSC là chứng nhận quốc tế được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường với lợi ích xã hội của các bên liên quan. Theo đó, hết tháng 4/2020, đã có 17.422 ha rừng ở các huyện Thạch Thành, Lang Chánh, Quan Hóa, Quan Sơn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được Tổ chức FSC công nhận và cấp chứng chỉ. Trong số đó, 2.370 ha luồng ở Quan Hóa, 3.045 ha vầu ở Quan Sơn, còn lại là rừng trồng sản xuất (chủ yếu là cây keo) và rừng tự nhiên ở Thạch Thành và Lang Chánh. Xác định tầm quan trọng của chứng nhận FSC trong quản lý, bảo vệ rừng và để các sản phẩm gỗ của tỉnh thâm nhập được vào thị trường quốc tế với giá trị cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, các chủ rừng tập trung nghiên cứu, lập kế hoạch triển khai quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC cho các diện tích rừng trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp đã mời chuyên gia khảo sát diện tích ban đầu cho nhóm hộ, mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực về trồng rừng, quy trình trồng, chăm sóc, khai thác đạt kết quả cao, tránh tàn sát môi trường, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cấm lưu hành theo quy định của FSC. Sản phẩm gỗ được các doanh nghiệp chế biến gỗ cam kết thu mua với giá cao hơn rừng trồng thông thường, chế biến xuất khẩu sang thị trường các nước EU. Thời gian tới, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm về quản lý và thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC tại tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Nam; đồng thời, tổ chức hội thảo đánh giá tiềm năng cấp FSC tại tỉnh và chia sẻ kinh nghiệm triển khai, xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC cho các chủ rừng trên toàn tỉnh. Ông Đỗ Văn Kỳ, Trưởng phòng Trồng trọt - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết, Thanh Hóa là tỉnh có diện tích tre luồng lớn nhất cả nước, với 71.053 ha, chiếm 55,1% diện tích rừng trồng. Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh diện tích rừng tự nhiên, diện tích rừng phục hồi và rừng trồng tăng, diện tích đất chưa có rừng giảm. Tuy nhiên, do nguồn lực tài chính của các chủ rừng khó khăn, thiếu đội ngũ cán bộ kỹ thuật đủ năng lực áp dụng quy trình FSC; diện tích rừng tự nhiên của các chủ rừng lớn, nhưng hiện không được phép khai thác. Việc tập hợp các chủ rừng có diện tích nhỏ (hộ gia đình) cùng xây dựng FSC gặp khó khăn, do nhiều chủ rừng chưa nhìn thấy các lợi ích từ FSC nên không hợp tác. Để tháo gỡ những khó khăn cho các chủ rừng, các cấp chính quyền và các ngành chức năng cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, phù hợp nhằm đẩy mạnh thực hiện cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới. Được chứng nhận FSC là yếu tố vô cùng quan trọng góp phần quản lý bền vững tài nguyên rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng cho cộng đồng địa phương và toàn xã hội, đồng thời, là cơ hội để khẳng định giá trị thương hiệu các sản phẩm lâm sản của Thanh Hóa trên toàn quốc và trên thị trường quốc tế…
Khiếu Tư