Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh cho biết: Thông qua hoạt động của Tháng Du lịch An Giang, tỉnh An Giang muốn gửi thông điệp “An Giang nêu cao khát vọng phát triển du lịch xanh - sạch - đẹp - thân thiện”, với mục tiêu phát triển du lịch của An Giang theo hướng bền vững, chuyên nghiệp và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. "Chúng tôi cam kết luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch quan tâm đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang, cùng chung tay đưa An Giang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước với tương lai không xa", ông Vương Bình Thạnh nhấn mạnh.
Quang cảnh lễ khai mạc. Ảnh: Công Mạo-TTXVN |
Tháng du lịch An Giang năm 2017 diễn ra từ ngày 01 - 31/5 với rất nhiều hoạt động nổi bật và hấp dẫn như: Lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam, Hội thả đèn hoa đăng, Hội đua thuyền rồng, Tuần lễ ẩm thực với sự tham gia của Vua đầu Bếp lừng danh thế giới “Yan can cook”, Lễ hội đua bò Bảy Núi, Hội thảo Phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch An Giang... Bên cạnh đó, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao khác cũng đồng thời diễn ra tục trong suốt thời gian của Tháng Du lịch.
An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có đường biên giới dài gần 100 km giáp với 2 tỉnh Takeo và Kandal (Vương quốc Campuchia). An Giang được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh, núi non hùng vĩ nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh An Giang, 4 dân tộc anh em Kinh, Khmer, Chăm, Hoa cùng chung sống lâu đời, tạo ra những giá trị văn hóa tinh thần phong phú, đa dạng thể hiện qua các lễ hội văn hóa dân tộc, các làng nghề thủ công truyền thống, các công trình kiến trúc văn hóa độc đáo.
Là địa phương có nhiều di tích lịch sử - văn hóa và danh lam, thắng cảnh, có tín ngưỡng thờ mẫu nổi tiếng khắp cả nước, hàng năm thu hút hàng triệu lượt khách đến chiêm bái, tạ lễ, An Giang có vùng Thất Sơn hùng vĩ, huyền bí, có 2 di tích quốc gia đặc biệt là di tích Khu lưu niệm Cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng và di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê.
An Giang vốn từ lâu được xem là một tỉnh thuần nông với các sản phẩm chủ lực là lúa và cá, tuy nhiên trước tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của An Giang gặp nhiều thách thức. Với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân, tỉnh An Giang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xác định du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Theo đó, tỉnh An Giang đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển du lịch, trong đó có Chương trình phát triển hạ tầng Du lịch An Giang nhằm kêu gọi các thành phần kinh tế cùng tham gia xây dựng hạ tầng phát triển du lịch địa phương.
An Giang còn có điểm đặc thù, khác biệt so với các tỉnh, thành trong vùng và cả nước, đó là điểm đến nổi tiếng của du lịch văn hóa tâm linh với tín ngưỡng Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc, lượng du khách đến An Giang chiêm bái, tạ lễ ổn định hằng năm trên 5 triệu lượt khách và có xu hướng tăng trưởng tích cực, năm sau cao hơn năm trước (năm 2016 là 6,6 triệu lượt khách).
Năm 2016, giá trị đóng góp trực tiếp của ngành du lịch An Giang vào ngân sách địa phương khoảng 3.200 tỷ đồng. Đồng thời, các hoạt động, dịch vụ du lịch góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của người dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Vương Thoại Trung
TTXVN