Tê bì chân tay, cảnh báo nguy cơ tắc động mạch chi cấp tính

Chân tay bị tê bì do nhiều nguyên nhân. Ảnh: dieutrivatlytrilieu.com
Chân tay bị tê bì do nhiều nguyên nhân. Ảnh: dieutrivatlytrilieu.com

Thời gian gần đây, các bệnh viện tại Cần Thơ ghi nhận những ca bệnh nhập viện do tê bì chân tay, bệnh nhân tự mua thuốc thấp khớp uống nhưng không khỏi. Chỉ khi nhập viện bệnh nhân mới biết mình bị tắc động mạch chi cấp tính, đối diện với nguy cơ đoạn chi…

Tê bì chân tay, cảnh báo nguy cơ tắc động mạch chi cấp tính ảnh 1 Chân tay bị tê bì do nhiều nguyên nhân. Ảnh: dieutrivatlytrilieu.com

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân B.T.T (nữ, 104 tuổi, ngụ tại Cần Thơ), nhập viện trong tình trạng đau nhức và tím bàn chân trái. Người nhà cho biết, bệnh nhân có dùng thuốc giảm đau, kháng viêm nhưng triệu chứng ngày càng tăng, bàn chân trái tím tái.

Bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán tắc động mạch đùi cấp, với biểu hiện lâm sàng của hội chứng thiếu máu cấp tính, được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

Ê kíp các bác sĩ đã tiến hành rạch da vùng 1/3 trên trong cẳng chân trái, bộc lộ động mạch khoeo trái, chày sau; dùng ống thông mạch máu lấy huyết khối động mạch đùi nông và huyết khối động mạch chày sau. Thời gian thực hiện phẫu thuật là 60 phút. Sau can thiệp tình trạng tắc nghẽn động mạch chi cấp cải thiện rõ, chi trái hết tím, hết đau, mạch rõ, chi ấm.

Tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, bệnh nhân C.V.N (58 tuổi, ngụ tại tỉnh Vĩnh Long) nhập viện với triệu chứng đau, tê, lạnh nhiều, mất cảm giác bàn chân trái. Qua thăm khám và kết quả chụp MSCT, các bác sĩ chẩn đoán ông N bị tắc hoàn toàn động mạch chậu, đùi, khoeo và cẳng chân trái do xơ vữa mạch máu và tình trạng tăng đông máu hình thành huyết khối. Các bác sĩ nhanh chóng phẫu thuật cấp cứu cho người bệnh, trong hơn 1 giờ, dùng ống thông chuyên dụng lấy ra toàn bộ đoạn huyết khối dài 80cm trong mạch máu. Sau can thiệp, người bệnh đi lại được, 2 chân hồng hào, hết tê, hết lạnh, mạch máu 2 chân đập tốt.

Bác sĩ Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, trước đây phẫu thuật điều trị thiếu máu cấp tính ở chi chỉ có một phương pháp duy nhất là đoạn chi. Cùng với sự tiến bộ của y học cũng như hiểu biết đầy đủ về cơ chế sinh bệnh, điều trị tắc động mạch chi đã có thay đổi rất nhiều, trong đó phải kể đến sự ra đời của kỹ thuật lấy cục máu gây tắc bằng dụng cụ đặc biệt gọi là ống thông mạch máu Fogarty và kỹ thuật tái lập lưu thông mạch máu bằng phẫu thuật cầu nối.

Bác sĩ Trần Quốc Tuấn, Khoa Ngoại tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết, tắc động mạch chi cấp tính xảy ra do tắc nghẽn đột ngột lòng động mạch bởi cục máu đông hay một mảng xơ vữa, dị vật… Hậu quả là làm thiếu máu nuôi cấp tính phần chi mà động mạch đó nuôi dưỡng, nếu tình trạng không được giải quyết kịp thời, phần chi sẽ bị hoại tử trong vòng vài giờ đến vài ngày.

Đối tượng có nguy cơ tắc động mạch chi cấp tính gồm người có bệnh lý tim mạch như rung nhĩ, hẹp van 2 lá, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, u nhày nhĩ trái, phình động mạch, xơ vữa động mạch, viêm mạch máu; người mắc các bệnh lý tăng đông máu như đa hồng cầu, tăng tiểu cầu, ung thư; người bị đái tháo đường, tăng lipid máu. Ngoài ra, người hút thuốc lá, từ 50 tuổi trở lên hay thường xuyên sử dụng các thuốc ngừa thai, chất gây nghiện cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.

Bác sĩ Tuấn đặc biệt lưu ý các triệu chứng ban đầu của tắc động mạch chi cấp tính dễ lầm lẫn với các bệnh về xương khớp nên người bệnh thường chủ quan, bỏ sót hoặc chậm trễ đi khám. Do đó, khi có một trong những triệu chứng như đau xảy ra đột ngột, dữ dội ở chi hay cảm giác tê bì, kiến bò vùng da chi bị tắc mạch, mất cảm giác, chi lạnh và tái nhợt, cử động các ngón yếu, thậm chí liệt hoàn toàn, nên kịp thời đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa mạch máu, tránh hậu quả đáng tiếc.

Ánh Tuyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm